Trong hệ thống giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống hiếu học luôn được trân trọng và phát huy từ đời này qua đời khác. Tổ tiên ta đã ghi trong bia Văn Miếu rằng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (1442), “Học thức là tài sản lớn nhất của một quốc gia” (1466). Và rằng nếu truyền miệng có câu “phi thương bất phú”, “phi nông bất ổn”, “phi công bất thịnh”, thì cụ Lê Quý Đôn cũng có câu rằng “Phi trí bất hưng”. Các công trình nghiên cứu về lịch sử hệ thống giáo dục, khoa cử nước ta thời kỳ độc lập tự chủ đều cho thấy suốt gần 10 thế kỷ, các bậc giáo dục mặc dù mới chỉ hạn chế trong việc đào tạo quan lại phong kiến các cấp nhưng đã góp phần chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí, giữ vững thế nước. Cuốn “Các Vị Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa Qua Các Triều Đại Phong Kiến ViệtNam" do nhà nghiên cứu Trần Hồng Đức (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam biên soạn cũng là để minh chứng cho nhận thức ấy. Cuốn sách gồm 3 phần chính: Phần thứ nhất giới thiệu một số nét về việc học hành, thi cử dưới thời phong kiến qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn dến triều Nguyễn. Tác giả giúp người đọc những hiểu biết về nội dung học tập, chế độ thi cử của các triều đại phong kiến Việt .Qua đó cho thấy các triều đại tiến bộ, các vị vua anh minh đều coi trọng việc học hành, thi cử, bởi họ đều nhận thức “hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Phần thứ hai của cuốn sách giới thiệu quê quán, thân thế, sự nghiệp, công tích của các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Từ thời Lý đến đầu thời Trần, qua tám đời vua, đã có năm kỳ thi đại khoa đều chưa lấy đậu trang nguyên. Các vị đỗ đầu như Lê Văn Thịnh, Mạc Hiển Tích, Bùi Quốc Khải, Trương Hanh và Lưu Miễn chỉ đựoc đỗ đầu nhất giáp. Từ năm 1246, vua Trần Thái Tông cho mở khoa thi Thái học sinh, lấy đậu thêm tam giáp (nhất giáp, nhị giáp, tam giáp) và đặt thứ bậc trong nhất giáp: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Vị Trạng nguyên đầu tiên của chế độ khoa cử Việt được công nhận trong kỳ thi này là Nguyễn Quan Quang. Kể từ khoa thi “Minh kinh bác học” đầu tiên của nước ta vào năm ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông đến khoa thi tiến sĩ cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919) đời vua Bảo Đại, lịch sử khoa thi Việt Nam đã có 844 năm với 185 khoa thi, có 46 trạng nguyên, 48 bảng nhãn, 76 thám hoa, 2462 tiến sĩ và 266 phó bảng. Họ là lực lượng chủ yếu của hệ thống quan văn, nắm giữ các mặt tổ chức nhà nước và xã hội, là tác giả của nền văn học cổ Việt Nam và kho tàng thư tịch Hán-Nôm, bao gồm nhiều môn khoa học: ngữ văn, sử học, địa lý, dân tộc học v.v.., những người đã góp phần xây dựng nền văn hiến vẻ vang lâu đời của dân tộc ta. Đặc biệt, tác giả còn sưu tầm được nhiều giai thoại ngợi ca trí tuệ uyên bác, sự thông minh xuất chúng, tài đối đáp sắc sảo của các vị trạng nguyên. Nhiều vị không những là trạng nguyên của nước Việt mà sự học rộng tài cao đã được triều đại phong kiến Trung Hoa phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Qua những dòng tiểu sử và giai thoại, ta được biết hầu hết các vị đỗ đại khoa đều được nhà nước phong kiến trọng dụng. Họ đều có nhân cách cao thượng, sống trong sạch, yêu nước yêu dân, ghét thói tham lam nhũng nhiễu, xa hoa nịnh bợ, suốt đời mong mang hết những hiểu biết và tâm sức của mình ra giúp dân giúp nước. Phần thứ ba của cuốn sách, tác giả giới thiệu danh sách 2898 vị đỗ đại khoa qua các triều đại của nước ta của 85 dòng họ có người đỗ đại khoa. Đây là phần giúp cho hậu duệ, những dòng họ tìm hiểu cha ông mình đã học hành, thi cử, làm nên truyền thống khoa bảng, đã phụng sự tổ quốc và nhân dân như thế nào. Thăng Long - Hà Nội tự hào là mảnh đất văn hiến. Tại đây, ngay từ thời Lý, nhà nước phong kiến đã lo xây dựng Văn Miếu (1076) để lo việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Hơn 700 năm tồn tại, Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã đào tạo hàng ngàn nhân tài, trở thành biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là tinh hoa của dân tộc, góp phần làm nên lịch sử ngàn năm Thăng Long-Hà Nội của chúng ta hôm nay. 82 tấm bia tiến sĩ còn lưu giữ được ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt là những di vật giá trị bạc nhất, niềm tự hào dân tộc. Đó là những minh chứng về truyền thống hiếu học của Thăng Long-Hà Nội và của cả dân tộc Việt như giáo sư Vũ Khiêu đã viết trong lời giới thiệu cuốn sách này. “Truyền thống nói trên đã được tiếp nối từ đời này sang đời khác khiến cho những người đi học và đỗ đạt đều cảm thấy vinh dự và hạnh phúc được đem trí tuệ và tài năng đóng góp vào sự nghiệp của đất nước. Mục tiêu của họ là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, nhưng trước hết là tu dưỡng đạo đức bản thân để từ đó giữ lấy nền nếp trong sạch của gia đình và góp phần đem lại phồn vinh cho Tổ quốc"Với những tư liệu quý, được tra cứu công phu, có độ tin cậy cao, cách viết giản dị súc tích, cuốn sách rất cần thiết cho những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu về văn hoá-giáo dục Việt Nam, rất bổ ích đối với các bậc trí thức và “sĩ tử” thời nay. Các Vị Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa Qua Các Triều Đại Phong Kiến Việt Nam NXB Văn Hóa Thông Tin 2006 Trần Hồng Đức 396 Trang File PDF-SCAN Link download https://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/14617 https://drive.google.com/file/d/1V54zMucZKy4M3IzT1rja6d-i4ypRkqbahttps://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1