Cao Điểm Cuối Cùng (NXB Văn Học 1979) - Hữu Mai, 391 Trang

Discussion in 'Địa Chí Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh' started by xenxenxong, Jan 15, 2016.

  1. xenxenxong

    xenxenxong New Member

    [​IMG]
    Cao Điểm Cuối Cùng
    NXB Văn Học 1979
    Hữu Mai
    391 Trang

    Nhà xuất bản Văn học đã đưa tôi đọc cuốn “Cao điểm cuối cùng” được tác giả sửa chữa và bổ sung thêm trước khi in lại lần thứ hai, để góp ý kiến, đồng thời Nhà xuất bản cũng yêu cầu tôi viết lời giới thiệu cuốn sách này với bạn đọc nhân dịp kỷ niệm mười năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

    Tôi không phải là nhà văn, cũng không phải là nhà nghiên cứu văn học. Tôi chỉ là một người chỉ huy quân sự có mặt tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nhưng tôi rất vui lòng làm công việc này, vì cuốn sách đã đem lại cho tôi nhiều xúc cảm, gợi cho tôi một số suy nghĩ, và cũng vì tôi nhận thấy việc làm này có thể giúp ích phần nào đối với bạn đọc.

    Từ ngày quân dân ta chiến thắng tại Điện Biên Phủ, mười năm đã qua. Công việc trước mắt bận rộn khiến tôi ít có dịp hồi tưởng lại những ngày đầu xuân, đọc lại cuốn sách này, tôi đã thấy hiện ra trước mắt khung cảnh hùng vĩ của Điện Biên Phủ, tôi đã gặp lại ở đây những người đồng chí, những người bạn chiến đấu đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, cùng chịu đựng và vượt qua những thử thách trong mùa xuân năm đó.

    Mùa xuân 1954, cuộc kháng chiến của chúng ta đã bước sang năm thứ chín. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành. Cuộc phát động quần chúng đấu tranh đòi Cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đang thổi vào lòng người dân Việt Nam cũng như người chiến sĩ trong quân đội một luồng gió phấn khởi, mạnh mẽ. Những chiến thắng liên tiếp của chúng ta trong nhiều năm đã làm cho đế quốc Pháp ngày càng suy yếu. Nhưng một kẻ thù nguy hiểm hơn, là đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, đã nhảy tới ra sức hà hơi cho Pháp, thúc đẩy Pháp tiếp tục và mở rộng cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

    Kế hoạch Na – va thể hiện âm mưu thâm độc của bọn thực dân hiếu chiến Pháp cấu kết với đế quốc Mỹ, nhằm giành lại quyền chủ động, trong mười tám tháng, bình định xong miền Nam và chuyển toàn bộ lực lượng ra Bắc để tiêu diệt chủ lực ta, hòng đặt lại ách thống trị lên đầu lên cổ nhân dân ta một lần nữa. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được hình thành và trở nên xương sống của kế hoạch Na – va. Đó là một hệ thống gồm bốn mươi chín cứ điểm kiêm cố mà các nhà quân sự có tiếng tăm của Pháp và bọn cố vấn Mỹ đã nhiều lần lớn tiếng tuyên bố là “bất khả xâm phạm”.

    Sau ba tháng bao vây và năm mươi nhăm ngày liên tục chiến đấu, chiều mồng 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta đã pháp phới bay trên nóc hầm sở chỉ huy của tướng Đờ Cát – tơ – ri. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị san phẳng. Giấc mộng của thực dân Pháp và âm mưu can thiệp để mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ trên đất nước này bị ta vỡ. Chúng buộc phải ngừng bắn và ký kết hiệp nghị Giơ – ne – vơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

    Ba tiếng Điện Biên Phủ đã trở nên vô cùng thân thiết và thành niềm tự hào của chúng ta. Điện Biên Phủ mở ra một trang mới chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta, và đã trở thành đề tài của nhiều nhà văn, nhà thơ.

    Là một cán bộ trong quân đội, Hữu Mai đã có mặt ở Điện Biên Phủ những ngày đó. Anh đã dựng lại trong “Cao điểm cuối cùng” cuộc chiến đấu trên đồi A1, nơi quân địch đã gọi là “chiếc chìa khóa sống của Điện Biên Phủ”. Chúng đã dồn hết sức lực ra để bảo vệ quả đồi này khi bọ đội ta tiến đánh, vì chúng biết rõ nếu để mất quả đồi này là toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ bị tiêu diệt.

    Những trang sách của Hữu Mai đã làm sống lại khung cảnh hùng vĩ, khốc liệt và vô cùng anh dũng của Điện Biên Phủ mùa xuân năm 1954, với những chiến hào bùn lầy đọng máu mà chúng tôi hiểu rõ giá trị của từng tấc đất, những rừng hoa ban, nơi chúng tôi đã chia nhau miếng củ mài, bát canh rau tàu bay, cũng như san sẻ với nhau những lo lắng trước khó khăn, những niềm vui khi chiến thắng. Nhưng đáng quý hơn là tác giả đã giúp chúng tôi gặp lại ở đây những người bạn chiến đấu năm xưa. Những nhân vật trong “Cao điểm cuối cùng”, từ người chiến sĩ cũ, người chiến sĩ mới, đến những cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, các đồng chí tư lệnh trưởng đại đoàn…, những người có tên hay không có tên trong cuốn sách đều gợi cho tôi hình ảnh thân thiết của những con người thực tại Điên Biên Phủ ngày đó. Đó là những con người bình thường, giản dị, yêu cuộc sống nhưng không sợ hy sinh, những người hiền lành, còn bỡ ngỡ trước một cuộc chiến tranh hiện đại, nhưng lại chiến thắng những kẻ địch hung dữ xảo quyệt có trong tay nhiều vũ khí tối tân.

    Qua những nhân vật này, người viết đã nêu lên được trong cuốn sách, vai trò lớn lao của quần chúng. Đó là những người dân bị áp bức, được sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng đã cầm vũ khí đứng lên quyết định vận mệnh của dân tộc mình.

    Hữu Mai đã nói được vì sao những người nông dân như Khỏe, Quân, Cương, Chư, Ngọ… đã không chịu lùi bước trước mọi thử thách hiểm nghèo của cuộc chiến đấu. Con đường đi của những người tiểu tư sản như Tuấn, như Vinh có khúc khuỷu, quanh co, chông gai hơn, nhưng cuối cùng họ vẫn đi tới đích… Tác giả đã nói được vì sao những cậu học sinh lớn lên trong Cách mạng, không phải chịu sự áp bức bóc lột, vừa rời khhori ghế nhà trường đã bước ngay vào một cuộc chiến đấu hiểm nghèo bậc nhất này, vẫn thích ứng với hoàn cảnh, vẫn lập nên được những chiến công vẻ vang… Với sự giáo dục của Đảng, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã thấm nhuần vào mỗi người dân, làm cho họ cảm thấy tủi nhục khi phải lùi bước trước kẻ thù, và sự xấu hổ khi phải thua kém bạn đồng đội trong cuộc thi đua tiêu diệt bọn cướp nước.

    Nhiều lần, trong cuốn sách, ta thấy tác giả đã miêu tả tỉ mỉ, bằng một thái độ cảm phuc, những hành động dũng cảm của những người chiến sĩ vô danh. Họ là những người bị lạc khỏi đơn vị trong khi đánh nhau, những người được bổ sung ra mặt trận giữa hai đợt chiến đấu. Trong lúc không có người chỉ huy, không có ai biết tên tuổi họ, họ vẫn chiếm giữ trong đồn địch, tìm súng đạn của chúng bổ sung cho mình, tìm thức ăn ăn cho đỡ đói, rồi tự mình tìm cách xông lên tiêu diệt kẻ thù. Họ đã nêu cao tinh thần anh dũng độc lập chiến đấu, họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trên chiến trường Điện Biên bao la và khốc liệt này, những chiến công của những người chiến sĩ vô danh vô cùng to lớn. Những con người đó chỉ có thể xuất hiện một cách đẹp đẽ như vậy trong chế độ chúng ta. Tác giả đặt biệt chú ý đến họ. Do đó, anh đã nói lên được một cách đúng đắn vai trò của quần chúng, vai trò của những người quyết định chiến thắng. Họ đã tiếp tục truyền thống của ông cha ngày xưa trong cuộc chiến tranh chống xâm lăng và đang xây đắp thêm những truyền thống mới của quân đội ta.

    Tác giả cũng đã tỏ ra không giản đơn khi viết về chủ đề này. Ngày đó, cuộc chiến tranh đã đặt trước quân dân ta những nhiệm vụ khó khăn vượt rất xa sức mình. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta chỉ mới đánh những cứ điểm do một tiểu đoàn địch chiếm đóng. Đến chiến dịch này, chúng ta phải đánh một tập đoàn cứ điểm với quân số tương đương hai mươi bốn tiểu đoàn. Kẻ địch có máy bay, xe tăng, pháo 155 ly, súng phun lửa và súng liên thanh có tia hồng ngoại. Đổi lại, ngoài một số pháo ít ỏi, chúng ta chỉ có toàn vũ khí nhẹ, những gói thuốc nổ và những tri thức quân sự rút ra trong quá trình kháng chiến.

    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
     
    Last edited by a moderator: Jan 16, 2016

Share This Page