Điện Biên Phủ Lắng Đọng Và Suy Ngẫm NXB Văn Hóa Thông Tin 1994 Phạm Chí Nhân 168 Trang Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của bản lĩnh chính trị, của sức mạnh và trí tuệ Việt Nam; chiến thắng của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong đó nhân tố chính trị tinh thần được xây dựng và phát huy cao nhất tạo nên sức mạnh to lớn góp phần quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, cùng sự phối hợp, chi viện của chiến trường cả nước với tinh thần "tất cả để chiến thắng", ngày 07-5-1954, quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, đánh bại hoàn toàn kế hoạch Nava - cố gắng cao nhất, cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân khỏi Đông Dương; đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của bản lĩnh chính trị, của sức mạnh và trí tuệ Việt Nam; chiến thắng của chiến tranh nhân dân Việt Nam, trong đó nhân tố chính trị, tinh thần đóng vai trò quan trọng đặc biệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố chính trị, tinh thần đã trở thành sức mạnh to lớn làm nên chiến thắng vĩ đại. Vai trò đặc biệt quan trọng của nhân tố chính trị, tinh thần đã được thể hiện rõ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1 1. Nhân tố chính trị, tinh thần góp phần quan trọng làm chuyển hoá lực lượng, tạo thế và lực giành thắng lợi cho quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh, vấn đề chuyển hoá lực lượng, tạo thế và lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu được thực hiện tốt sẽ tạo nên sức mạnh hơn hẳn đối phương, đó là yếu tố quyết định giành thắng lợi. Chuyển hoá lực lượng là một quá trình dần dần, là sự lớn lên của từng nhân tố, của tất cả các nguồn lực để tạo nên sức mạnh tổng hợp đủ sức chiến thắng. Trong các nguồn lực, các nhân tố để tạo nên sự chuyển hoá lực lượng, tạo ra thế và lực có lợi cho ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân tố chính trị, tinh thần có vai trò đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa hết sức to lớn. Đây là chất dính kết tất cả các nguồn lực, các nhân tố tạo nên sức mạnh của quân và dân ta trong chiến dịch; là kết quả tổng hợp của nhân tố vật chất và tinh thần; kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự và ngoại giao; vũ khí trang bị và nghệ thuật tiến hành chiến tranh…; là sức mạnh của cả dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại làm tăng lên gấp bội sức mạnh của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, tình hình so sánh lực lượng giữa ta và địch đã có sự chuyển biến tích cực cho phía ta cả về thế và lực, nhưng về vũ khí trang bị thì địch vẫn chiếm ưu thế, hơn nữa ưu thế đó lại được tăng cường khi địch bố trí trong cứ điểm phòng ngự vững chắc. Để giành chiến thắng, nhất thiết ta phải tạo ra được sức mạnh hơn hẳn kẻ thù. Trong chiến dịch này, phát huy cao độ tinh thần yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương tha thiết, lòng căm thù thực dân xâm lược sâu sắc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đã từng bước chuyển hoá lực lượng, càng đánh càng mạnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp hơn hẳn đối phương. Trong quá trình chiến dịch, những tấm gương chiến đấu hy sinh dũng cảm kịp thời được tuyên truyền, học tập trên khắp mặt trận góp thêm động lực thôi thúc tinh thần, ý chí quyết tâm chiến thắng của quân và dân ta trong từng trận chiến đấu cũng như trong từng đợt tiến công. Nhân tố chính trị, tinh thần, biểu hiện tập trung ở ý chí quyết chiến, quyết thắng đã được phát huy cao độ, góp phần quyết định tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, làm cho thế và lực của ta trên chiến trường không ngừng phát triển, giành ưu thế toàn diện áp đảo đối phương đủ sức đập tan “pháo đài không thể công phá”, biến nó thành nơi chôn vùi quân Pháp xâm lược. 2. Nhân tố chính trị, tinh thần trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần phát huy cao độ sự mưu trí, sáng tạo, lòng dũng cảm và sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị của quân và dân ta. Thực tế cho thấy, dù quân đội có trung thành bao nhiêu đi chăng nữa nhưng nếu không được trang bị đầy đủ và huấn luyện chu đáo thì cũng sẽ nhanh chóng bị đánh bại. Vũ khí trang bị là cơ sở vật chất của sức mạnh chiến đấu, nhưng vũ khí trang bị dù có hiện đại thế nào đi nữa, để trở thành sức mạnh chiến đấu đều phụ thuộc vào chính con người sử dụng nó. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhìn vào vũ khí trang bị, các nhà quân sự Pháp, Mỹ và một số người đã cho rằng vũ khí, phương tiện thô sơ của ta không thể “đọ nổi” vũ khí trang bị hiện đại của quân Pháp; không thể so sánh cuốc thuổng, gậy gộc với những phương tiện cơ giới, xe tăng, đại bác; những dân công mang vác, những chiếc xe đạp thồ phải đi một tháng mới đến Điện Biên Phủ làm sao đọ được với một chiếc máy bay Da-cô-ta mang tải trọng lớn bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ mất một tiếng rưỡi đồng hồ (1). Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị nhất là những vũ khí, phương tiện thô sơ để giành thắng lợi. Thực dân Pháp không thể hiểu nổi, với đôi chân đi bộ, đôi vai gánh vác và chiếc xe đạp thồ, chúng ta đã chuyên chở hàng vạn tấn lương thực, vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến đấu cần thiết đáp ứng nhu cầu của chiến dịch; chỉ bằng cuốc, xẻng, quân và dân ta đã tạo ra cả một mạng giao thông hào, địa đạo “khổng lồ” ngày càng bao vây xiết chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây chính là sự kết tinh của lòng yêu nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử này. 3. Sự vượt trội về nhân tố chính trị, tinh thần của quân và dân ta so với quân đội Pháp ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Lênin đã chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(2). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần”(3). Người khẳng định, không một quân đội nào, khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của cả dân tộc. “Thực dân Pháp sở dĩ thất bại vì chúng là phe tà, là bọn cướp nước… Việt Nam sở dĩ thắng lợi là vì quân và dân ta đoàn kết nhất trí, kháng chiến anh dũng, vì chính nghĩa ở về phía ta”(4). Nhân tố chính trị, tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ chiếm ưu thế tuyệt đối so với quân đội Pháp. Đó là ưu thế của những con người chiến đấu vì mục tiêu chính nghĩa và lý tưởng cao cả, quyết giành độc lập dân tộc cho Tổ quốc trước những tên lính xâm lược chiến đấu vì mục tiêu phi nghĩa, phản nhân văn, phản tiến bộ. Đây chính là ưu thế của ý chí quyết chiến, quyết thắng, của tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những con người đầy khát vọng giải phóng, chống quân xâm lược, thoát khỏi áp bức, bất công. Đó là ưu thế sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại đang trên đà phát triển và chiến thắng, tập trung vào trận quyết chiến chiến lược so với sự cố gắng cao nhất của quân đội địch nhằm cứu vãn tình thế thất bại của chúng. Ưu thế này là nhân tố cơ bản tạo nên chiến thắng của chúng ta. Chính tướng Pháp Nava - người trực tiếp vạch Kế hoạch Nava cũng phải thừa nhận: “Suốt bảy năm nay (1946 - 1953) đối phương chỉ có một lãnh tụ chính trị duy nhất là Hồ Chí Minh và Tổng chỉ huy quân sự duy nhất là Võ Nguyên Giáp”(5); “rất thống nhất về chính trị, năng động và quyết tâm đạt đến mục tiêu bằng mọi cách”(6); “ở Việt Minh, không có những chủ trương chính trị và những chủ trương quân sự riêng rẽ mà là những chủ trương chính trị quân sự thống nhất… Kế hoạch quân sự được đặt trong một tổng thể mà tất cả mọi việc đều hướng vào nhiệm vụ bảo đảm cho sự thành công”(7). Dù đã lùi vào lịch sử 60 năm, nhưng bài học về xây dựng và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trước yêu cầu của thời kỳ mới, cần thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng quân đội về chính trị, làm cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt. Không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân… là những vấn đề cơ bản, thiết thực, góp phần xây dựng và phát huy nhân tốchính trị, tinh thần trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội. --------------------------------------------------- (1) Điện Biên Phủ lắng đọng và suy ngẫm, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1994, tr. 106. (2) V.I.Lênin, Toàn tập, bằng tiếng Việt, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 147. (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 59. (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 463. (5) (6) Lê Kim, Tướng Hăngri Nava với Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 17, 20. (7) Hăngri Nava, Thời điểm của sự thật, Nxb Plông Pari, 1979, tr. 285. Link Download eBook có trong tuyển tập DVD Điện Biên Phủ http://dlib.vnu.edu.vn/iii/cpro/DigitalItemViewPage.external?lang=vie&sp=1046916