Tiếp tục loạt bài kỷ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu của quân và dân ta trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi tới Tòa soạn bài viết này, trân trọng giới thiệu cùng độc giả. Chiến thắng Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã làm cho ba tiếng “Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn có ý nghĩa quốc tế lớn lao là đã góp phần làm thay đổi cục diện thế giới; đã chứng minh một chân lý của thời đại: Một dân tộc bị áp bức khi đã đoàn kết vùng dậy đấu tranh theo một đường lối đúng đắn, kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có khả năng đánh thắng quân đội xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, lực lượng vũ trang nhân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trong hình thức tổ chức phòng ngự cao nhất của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương lúc đó. Tại đây, quân Pháp tập trung tới hơn một vạn sáu nghìn quân, chủ yếu là lính dù và Âu Phi tinh nhuệ do thiếu tướng Đờ Cát-xtơ-ri chỉ huy. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có 49 cứ điểm, mỗi cứ điểm đều có công sự, hàng rào vật cản, hỏa lực độc lập chiến đấu đồng thời những cứ điểm gần nhau lại được tổ chức thành cụm cứ điểm. Tập đoàn gồm 8 trung tâm đề kháng và được chia thành 3 phân khu. Phân khu Trung tâm là quan trong nhất, nằm ngay giữa Mường Thanh, có 5 tiểu đoàn chiếm đóng, 3 tiểu đoàn cơ động. Phân khu Bắc gồm đồi Độc Lập và Bản Kéo cùng với cụm cứ điểm Him Lam (thuộc phân khu Trung tâm). Phân khu Nam là cụm cứ điểm có trận địa pháo và sân bay Hồng Cúm. Với 2 trận địa pháo bố trí ở Mường Thanh, Hồng Cúm và 2 sân bay nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không, khi cần thiết được 80% lực lượng không quân ở Đông Dương chi viện, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”, “một Véc-đoong ở Đông Nam Á”. Về phía ta, lực lượng tham gia chiến dịch lúc đầu gồm các đại đoàn bộ binh: 308, 312, 316 và Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304). Hỏa lực có Đại đoàn công pháo 351 gồm Trung đoàn 45 lựu pháo 105mm, Trung đoàn 675 sơn pháo và cối , Trung đoàn 151 công binh, Trung đoàn 367 cao xạ, các đơn vị thông tin, vận tải (16 đại đội), quân y... Tổng quân số hỏa tuyến khoảng bốn vạn, nếu tính cả tuyến hai là năm vạn rưỡi, và 260 nghìn dân công hỏa tuyến. Thời gian đầu khi địch chưa tăng cường, củng cố lực lượng và hệ thống quân sự, phương châm tác chiến của ta là “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý, ta chuyển phương châm tác chiến sang “Đánh chắc, tiến chắc”, dùng cách đánh vây hãm tiến công, đột phá lần lượt để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Đây là một chủ trương chính xác, kịp thời và kiên quyết, góp phần quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc chuyển phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "Đánh chắc chiến chắc" là "một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình" như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và thực tế lịch sử đã sớm khẳng định không thay đổi phương châm tác chiến thì chiến dịch không thể kết thúc thắng lợi. Để đảm bảo cho pháo lớn lần đầu xuất trận giữ được bí mật, an toàn và phát huy hiệu lực cao nhất, bất ngờ nhất, Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái đích thân dẫn cán bộ men theo những sườn núi cao chưa có vết chân người nhưng đầy vắt, ve và ruồi vàng để tìm trận địa cho pháo. Trong những ngày kéo pháo, nhiều cán bộ chính trị chủ chốt của chiến dịch như Lê Quang Đạo, Phạm Kiệt, Phạm Ngọc Mậu... thường xuyên có mặt trên đường kéo pháo, cùng cán bộ đơn vị động viên, tổ chức bộ đội hoàn thành một kỳ công chưa từng thấy. Chưa có một chiến dịch nào trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cả Bộ trưởng Y tế (bác sĩ Vũ Đình Tụng) và Thứ trưởng (bác sĩ Tôn Thất Tùng), những thầy thuốc giỏi nhất của ta hồi đó, đều ra mặt trận đảm nhiệm việc cứu chữa thương binh. Nhờ vậy mà cả quá trình chiến dịch, hơn 10.000 thương binh (gấp ba dự kiến ban đầu) được cứu chữa và điều trị kịp thời. Cục trưởng Cục Quân y, bác sĩ Vũ Văn Cẩn, ra tận chiến hào để cùng cán bộ các đại đoàn nghiên cứu việc cải thiện, khắc phục những khó khăn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bộ đội.https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1 Để đẩy mạnh công tác chi viện cho mặt trận, Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", động viên toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, nhất định đảm bảo cho chiến dịch toàn thắng. Theo thông báo của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương (báo cáo ngày 10-7-1954) trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260.000 dân công (tính ra thành mười ba - mười bốn triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ và hàng chục ngàn phương tiện vận chuyển thô sơ và bán thô sơ khác. Về mặt đảm bảo vật chất, đồng bào đã góp cho chiến dịch (số huy động tại gốc) tổng cộng là 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã vận chuyển được ra mặt trận cung cấp cho bộ đội là hơn 20.000 tấn, trong đó 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô. Đặc biệt đồng bào Tây Bắc đã có những đóng góp rất lớn. Mặc dù là một vùng rừng núi mới được giải phóng, đất rộng người thưa, khả năng kinh tế rất hạn hẹp, nhưng trong chiến dịch này đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã dồn hết sức mình tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh và đã đóng góp 31.818 dân công (tính ra thành 1.296.078 ngày công) làm công tác vận chuyển, sửa chữa cầu đường, xây dựng kho lán. Để ngăn chặn dòng thác người và các phương tiện vật chất từ hậu phương của ta ồ ạt đổ ra tiền tuyến, bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt tất cả các tuyến đường giao thông dẫn đến Điện Biên Phủ. Tướng Na-va đã giao nhiệm vụ cho lực lượng không quân của Pháp phải dành ưu tiên với mọi phương tiện tối đa cho việc hỗ trợ các lực lượng tác chiến của Pháp ở Tây Bắc. Trên các đoạn đường trọng điểm như Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, Lai Châu - Sơn La, Cò Nòi - Yên Bái, không quân địch đánh phá 24/24 giờ. Có trận không quân Pháp đã "dùng tới 39 máy bay B.26, 5 máy bay Pri-va-tơ và 21 máy bay khu trục thuộc hải quân, ném hàng trăm tấn bom trên những đoạn đường nghi ngờ. Lần đầu tiên trong các trận oanh tạc, Mỹ đã cho Pháp sử dụng loại máy bay vận tải cỡ lớn Pác-két C.119 (78 chỗ ngồi) để thả bom na-pan...". Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, ác liệt do địch đánh phá và thời tiết khắc nghiệt, nhưng từng đoàn xe ô tô, xe đạp thồ, ngựa thồ, từng đoàn thuyền lớn nhỏ của ta vẫn dũng cảm vượt bom đạn tiến lên phía trước. Hàng chục vạn anh chị em dân công, thanh niên xung phong, không quản hy sinh gian khổ vẫn ngày đêm băng rừng, trèo đèo lội suối, lấy sức mình vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận, tiếp tế cho bộ đội ta giết giặc. Ác liệt gay go nhất vẫn là cuộc chiến đấu đối mặt với quân Pháp trong từng trận đánh. Chân lý đã được khẳng định: Thắng lợi trên chiến trường, suy cho cùng, vẫn là do những chiến binh cầm súng quyết định. Trước ngày mở màn chiến dịch, đã xuất hiện gương hy sinh chiến đấu của các anh: Hoàng Văn Nô, Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Văn Chức... Ngay từ đợt đầu, trận đầu là gương của các anh hùng: Phan Đình Giót, Trần Can... Sang đợt 2, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu dũng cảm của hàng vạn chiến sĩ, là Đại đội 243 luồn sâu trong lòng địch trên các điểm cao phía đông, là các đơn vị đánh phản kích... đặc biệt là tinh thần dũng cảm hy sinh của cán bộ chiến sĩ các trung đoàn 174 và 102, giành giật với địch từng tấc đất trên đồi A1 suốt hàng tháng trời. Tại đây, trong giờ phút gay go nhất, các cán bộ trung đoàn đã thể hiện rõ bản lĩnh của người chỉ huy dũng cảm, mưu trí, dày dạn; chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi một mình trong vòng vây địch, vừa truyền đạt mệnh lệnh vừa chiến đấu bảo vệ thương binh... Trước tình hình cấp dưới gặp khó khăn trong nhiệm vụ cắt sân bay địch, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ ra tận trận địa, bổ khuyết từng thiếu sót cụ thể trong việc đào trận địa vây lấn, kết quả là cuối tháng 4-1954, sân bay Mường Thanh bị tê liệt hoàn toàn. Trên hướng đông, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316 Lê Quảng Ba ra tận Đồi Cháy nghiên cứu vị trí A1, đề ra biện pháp tiêu diệt ụ súng trong hầm ngầm của địch. Sau đó, ngay trước mũi súng và trong tầm lựu đạn của địch, phân đội công binh 83 đã khắc phục những khó khăn tưởng như không vượt nổi, đã bí mật kiên trì khoét từng nhúm đất rắn như đá non, đào được một đường hầm xuyên vào lòng cứ điểm A1, góp phần quyết định số phận "điểm cao cuối cùng" của địch. Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn chỉ huy các đơn vị thuộc quyền tiêu diệt các cứ điểm 505A, 505B, 506, 507, đánh chiếm Sở chỉ huy của tướng Đờ Cát ở trung tâm Mường Thanh... Về diễn biến của chiến dịch, chiều 13-3-1954 chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, trải qua ba đợt. Đợt 1 (từ ngày 13 đến 17-3), ta đập tan thế phòng ngự vòng ngoài của địch ở phía bắc và đông bắc, mở đầu bằng trận Him Lam, tiếp đó tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Độc Lập, bao vây, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch. Đợt 2 (từ ngày 30-3 đến 30-4), sau hơn 10 ngày xây dựng trận địa tiến công và bao vây với hàng trăm ki lô mét hào giao thông, hàng ngàn cộng sự và ụ súng các loại, ta tiến công diệt các cứ điểm E, D1, D2, C1 trên dãy đồi phía đông và 106, 311 trên hướng tây bắc sân bay Mường Thanh, nhưng đánh cứ điểm A1 và các cứ điểm C2, 105 không thành công, bị địch phản kích chiếm lại nửa đồi C1. Từ ngày 16-4 ta phát triển trận địa bao vây, tiến công, đánh lấn diệt các cứ điểm 105, 206, đào hào cắt đôi sân bay Mường Thanh, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch nhằm giành lại sân bay, kết hợp bắn tỉa và đưa pháo phòng không xuống cánh đồng Mường Thanh khống chế rồi triệt hẳn tiếp tế đường không của địch. Đợt 3 (từ ngày 1 đến 7-5), ta lần lượt đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía đông (C1, C2 và A1), diệt một số cứ điểm ở phía tây, tăng cường vây ép phân khu Hồng Cúm, bao vây uy hiếp sở chỉ huy trung tâm, dập tắt hy vọng rút chạy của địch. 15 giờ ngày 7-5-1954, quân ta tiến hành tổng công kích vào trung tâm Mường Thanh, bắt tướng Đờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ ban tham mưu của tập đoàn cứ điểm, buộc số địch còn lại ở phân khu trung tâm phải đầu hàng, truy kích và bắt gọn bộ phận địch ở Hồng Cúm định rút chạy. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, diệt và bắt hơn 16.200 địch (có một thiếu tướng, 369 sĩ quan từ đại tá đến thiếu úy), thu toàn bộ vũ khí trang bị, bắn rơi 62 máy bay. Chiến dịch Điện Biên Phủ là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, cùng với thắng lợi trên các chiến trường khác trong Đông Xuân 1953-1954 giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao tới thắng lợi hoàn toàn...". Link Download eBook có trong tuyển tập DVD Điện Biên Phủ https://docs.google.com/file/d/0BzpjE7NctSkYZW5qNkxTRC1CdGM/