Công trình ĐỒ ĐỒNG TRUNG QUỐC giới thiệu về các loại hình vật dụng đồ đồng thau với nhiều kiểu dáng, hoa văn, minh văn cùng với tên gọi và chức năng của chúng. Những loại vật dụng này phục vụ sinh hoạt hàng ngày và sử dụng trong nhiều nghi lễ, lễ hội… được chế tác dành cho giai cấp thượng lưu, vì vậy đã phản ánh sinh hoạt, lối sống, sự phân hóa giai cấp khá rõ nét trong xã hội Trung Hoa cổ đại. Hầu hết những tuyệt tác đồ đồng này được chế tác trong thời kỳ đồ đồng thau của Trung Hoa cổ đại phát triển rực rỡ nhất, vì vậy, tuy không giới thiệu sâu về kỹ nghệ đúc đồng thời cổ nhưng người đọc có thể nhận biết được sự hoàn hảo của một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng đã sản xuất ra những sản phẩm tinh xảo về kỹ nghệ và tinh tế về trang trí, thực sự xứng đáng là những cổ vật - di sản văn hóa của thế giới. Đặc biệt, công trình còn phân tích những yếu tố truyền thống, cội nguồn của văn minh đồ đồng Trung Hoa là từ những cổ vật bằng gốm nổi tiếng không kém của các nền văn hóa khảo cổ thời đại Đồ Đá trước đó. Nhiều loại hình, kiểu dáng, hoa văn đồ đồng được tiếp thu từ kỹ thuật sản xuất và trang trí đồ gốm. Đây là một quy luật của sự phát triển kỹ thuật và văn hóa – nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu về cổ vật. Trong công trình có nhiều thuật ngữ “tên gọi” các loại hiện vật, đây cũng là một kiến thức cần thiết cho việc nghiên cứu cổ vật đồng Việt Nam. Điều rất hữu ích của công trình này là đã giới thiệu khái quát về quá trình nghiên cứu, khai quật và bảo tồn những di tích, di vật thuộc thời đại Đồng Thau ở Trung Quốc như thế nào. Từ góc độ ngành bảo tàng, có một chi tiết khá thú vị là hầu hết những cổ vật độc đáo được giới thiệu, minh họa trong công trình này đều được lưu giữ và trưng bày tại các khu di tích, tại bảo tàng các địa phương… Chỉ có một số ít được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia hay tại một nơi khác không phải là nơi đã phát hiện ra chúng. Điều này cho thấy Trung Quốc có một chính sách nhất quán trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc lưu giữ các cổ vật tại các di tích, bảo tàng địa phương đã tạo nên sự phong phú, đa dạng và độc đáo riêng cho từng nơi, phục dựng bức tranh nhiều màu sắc của văn hóa Trung Hoa, đồng thời cũng là một “giải pháp” tối ưu cho ngành du lịch khi mà du khách cần phải đi đến nhiều nơi mới có thể chiêm ngưỡng được những di tích, cổ vật nổi tiếng. Qua đó không chỉ giới thiệu, quảng bá sâu rộng về văn hóa mà nhiều dịch vụ du lịch khác đã phát triển đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội các địa phương, tạo tiền đề quan trọng để bảo tồn di sản văn hóa. Đây là một kinh nghiệm của nhiều quốc gia mà có lẽ Trung Quốc là một trong những nước đã thực hiện thành công. Tôi đã có dịp đến một số bảo tàng và di tích khảo cổ ở Trung Quốc, nhưng cũng có thể mạo muội nhận xét rằng, những gì giới thiệu trong công trình này tuy rất tiêu biểu, đặc sắc, đa dạng… nhưng chỉ là một phần vô cùng nhỏ trong khối lượng di sản văn hóa đồ đồng đã được phát hiện và nghiên cứu ở Trung Quốc, chưa kể trữ lượng rất lớn còn nằm trong lòng đất mà Trung Quốc có một chiến lược rõ ràng là “Di sản văn hóa không phải là vô tận, chưa khai quật vội, để dành cho con cháu” dù có thể có nơi đã đủ điều kiện khai quật, nghiên cứu và bảo tồn. Nếu còn điều gì hơi nuốc tiếc khi đọc công trình này thì đó là trong đây thiếu vắng một loại hình cổ vật đồng thau quan trọng: Trống đồng. Tất nhiên, có thể do giới hạn về không gian và thời gian của nội dung công trình nên tác giả chưa thể đề cập hết tất cả các khu vực có nền văn hóa đồng thau nổi tiếng. Tuy nhiên, khi nói đền ĐỒ ĐỒNG TRUNG QUỐC mà chỉ nói đến khu vực Trung Nguyên/ Hoa Bắc mà thiếu vắng đồ đồng vùng Hoa Nam/ Quảng Tây thì người đọc còn cảm thấy chưa thật sự thỏa mãn. Đồ Đồng Trung Quốc NXB Tổng Hợp 2013 Tác giả: Lý Hùng Dịch giả: Trương Gia Quyền 142 Trang File PDF-SCAN Link download https://drive.google.com/file/d/1arqrR365zLdghQJkThbIplJ1r03-IWtuhttps://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1