Đổi Mới Phê Bình Văn Học (NXB Khoa Học Xã Hội 1993) - Đỗ Đức Hiểu, 340 Trang

Discussion in 'Ngữ Văn Học' started by nhandang123, Jun 1, 2017.

  1. nhandang123

    nhandang123 Moderator

    upload_2022-4-12_18-42-20.png
    Vào cuối những năm 80 đầu 90 của Thế kỷ 20, trên diễn đàn văn học xuất hiện một tiếng nói phê bình độc đáo: vừa thâm trầm uyên bác vừa mạnh mẽ, nồng nhiệt và đầy sức cuốn hút. Đó là những bài phê bình văn học của giáo sư Đỗ Đức Hiểu. Ông là cán bộ giảng dạy văn học Phương Tây của Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mặc dù tuổi đã cao (sinh năm l924 mất năm 2003) và trước đây không chuyên viết phê bình văn học, nhưng dường như bị cao trào đổi mới của đời sống văn học cuốn hút, giáo sư đã góp phần đáng kể cho diễn đàn phê bình văn học trở nên sôi động và có bản sắc mới, tạo ra một xu hướng “Phê bình mới” khác hẳn lối phê bình cũ, khuôn sáo trước đây. Cuốn Đổi mới phê bình văn học là sự tuyển chọn phần lớn những bài viết của giáo sư trong hai thập niên cuối thế kỷ trước (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội liên kết với NXB Mũi Cà Mau, l993). Năm 1999, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản, giá trị của cuốn sách đã được khẳng định, giới nghiên cứu, phê bình văn học thừa nhận sự sáng tạo của GS Đỗ Đức Hiểu là ở tầm vóc Đại bàng trên con đường đổi mới tư duy nghệ thuật!
    Cuốn sách được chia ra làm ba phần. Phần một gồm những bài viết trình bày một cách cô đọng, xúc tích một số thành tựu lớn của Khoa nghiên cứu và phê bình văn học thế kỷ 20 trên thế giới. Đó là những vấn đề cơ bản của Thi pháp học ; Đó là sự ra đời và đóng góp của trào lưu Phê bình mới trong nền văn học Pháp vào những năm 60 và 70 của thế kỷ - một trào lưu đã được khẳng định là một trong những thành tựu văn học lớn nhất của thế kỷ 20 ở thế giới phương Tây ; Đó là một khuôn mặt lớn đã đặt nền móng cho nghiên cứu và phê bình văn học của thế kỷ 20, v.v…Phần này, lẽ ra phải là những công trình nghiên cứu lớn mới chuyển tải hết những nội dung phong phú và phức tạp của nó: song sự “tóm lược” khéo léo và khoa học của giáo sư cũng có thể giúp người đọc rút ngắn cuộc hành trình vào những tri thức rộng lớn và phức tạp của nghiên cứu và phê bình văn học, cung cấp những tri thức cơ bản và tối thiểu để người đọc có thể hình dung ra một cách tổng quát những điều kiện cần và đủ cho công việc nghiên cứu và phê bình văn học trong xu thế đổi mới hiện nay.
    Phần 2 và 3 gồm những bài phê bình cụ thể hai thể loại văn học là Thơ và Văn xuôi với những tác giả và tác phẩm cụ thể. Ở đây là những tác giả, tác phẩm lớn, hợp với “gu” thẩm mỹ của tác giả và thường là những kiệt tác của các thiên tài văn học như Thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Truyện Kiều của Nguyễn Du, Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Ông đồ của Vũ Đình Liên, Phố huyện của Thạch Lam, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, v.v… Về văn học Pháp, các bài viết về Rimbaud, V, Hugo, M. Bataille, S. G. Colette với văn phong vừa bay bổng vừa sâu lắng đã dẫn người đọc vào những thế giới tâm hồn đa dạng, phong phú của các thiên tài văn học Pháp…
    Theo cách cấu tạo của cuốn sách, với hai chùm bài phê bình thơ và văn xuôi, giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã cho người đọc thấy được việc sử dụng những “công cụ” mới của phê bình văn học đã giúp cho bộ môn phê bình văn học thoát vượt khỏi lối phê bình “truyền thống” mòn cũ và vô bổ nếu không muốn nói là đã khiến cho phê bình văn học đi lạc hướng. Qua đó, giáo sư muốn chúng ta hướng tới nhiệm vụ đích thực của phê bình văn học: “Người phê bình trước hết làm “nổ tung” văn bản, tức là tìm mọi bí ẩn của các liên kết tác phẩm, trình bày rõ ràng các cấu trúc biểu đạt phức hợp của tác phẩm, còn gọi là “giải mã” hoặc “tháo rời” mọi cơ cấu, mọi chi tiết ngôn từ. Nói như Rabelais, phải “đập vỡ cái xương”, để “hút tủy” của tác phẩm, hoặc nói như Hemingway, nghiên cứu phần nổi của “tảng băng trôi” nhằm phát hiện phần chìm các ý nghĩa…” (tr. 85).
    Bằng những bài phê bình cụ thể những tác phẩm và tác giả ấy, giáo sư đã như là người “hiến thân” cho sự làm mẫu về việc sử dụng những công cụ mới trong phê bình văn học mà ở lời đầu sách, Nhà xuất bản đã coi đó là những thử nghiệm mới về phê bình, nghiên cứu văn học. Có thể nói rằng, những bài viết về thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Truyện Kiều, Thơ Mới và Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là những bài phê bình văn học đặc sắc với một phong cách phê bình hoàn toàn mới so với tình trạng phê bình văn học vốn làng nhàng buồn tẻ lâu nay: Lời văn bay bổng như cánh chim bằng mà ý tưởng vô cùng sâu sắc… Người viết bài này tâm đắc nhất hai bài Thơ mới hay cuộc nổi loạn của ngôn từ thơ và 14-7 và Thi nhân Việt Nam. Điều đáng lưu ý ở hai bài viết này là: đồng thời với việc bình giá Thơ mới và Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, giáo sư đã làm cái việc phê bình sự phê bình thật khó và phức tạp nhưng đã rất thành công. Đó là việc khắc họa sinh động và sắc nét một chân dung văn học về một nhà phê bình văn học tài hoa, độc đáo có một không hai của văn học Việt Nam hiện đại đó là Hoài Thanh – “Ca sĩ của Thơ mới” với Thi nhân Việt Nam – một “siêu văn bản” của Thơ mới.
    • Đổi Mới Phê Bình Văn Học
    • NXB Khoa Học Xã Hội 1993
    • Đỗ Đức Hiểu
    • 340 Trang
    • PDF-SCAN
    Link download
    https://drive.google.com/file/d/1TogNPgm2X0Y6MsPA6niKya-6d-oH1yCs
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
     

    Zalo/Viber: 0944625325 | buihuuhanh@gmail.com

    Last edited by a moderator: Jul 25, 2023

Share This Page