Từ ngày có chương trình vấn đạo đến nay, những người có đủ duyên được đọc sách Đường Về Xứ Phật, lần lượt họ đều hiểu thông đường lối tu hành của đạo Phật, và cũng bắt đầu thấy được những điều sai trái trong Phật giáo rất nhiều hiện nay, nguyên do là những ảnh hưởng tập quán dân gian và các pháp môn của ngoại đạo trà trộn làm cho chánh pháp của Phật biến dạng, mang đầy tính chất mê tín, dị đoan, lạc hậu v.v.. Phần đông số tín đồ Phật giáo đang lầm lạc quay cuồng trong các pháp môn của kinh sách phát triển và Thiền Tông Trung Hoa, cho đó là pháp môn của Phật giáo, nhưng nào ngờ chương trình vấn đạo đã và sẽ lần lượt làm sáng tỏ, pháp nào của Phật là của Phật, pháp nào của ngoại đạo là của ngoại đạo (Bà La Môn). Tà đạo không thể ẩn núp trong Phật giáo, chuyên làm việc lừa đảo và lường gạt tín đồ Phật giáo như vậy được. Đường Về Xứ Phật sẽ chỉ thẳng và vạch rõ giúp các bạn không còn hiểu lệch lạc và sai lầm nữa. Đã gần hai mươi lăm thế kỷ nay con người đã bị giáo pháp này lừa gạt quá nhiều, đến giờ này mà mọi người còn đang sống trong giấc mơ của “Đại Thừa và Tối Thượng Thừa” là của Phật giáo ư! Một giấc mơ tuyệt vời, đưa con người vào cõi mộng của thế giới siêu hình, “thường hằng, thường biết, thường nghe, thường thấy, bất biến, hạnh phúc, an lạc (thường, lạc, ngã, tịnh)”. Đại Thừa đã xây dựng một cõi “Cực Lạc Tây Phương” để thỏa mãn mọi nhu cầu dục vọng của con người thế gian, muốn chi được nấy, do sự diễn tả cảnh giới Tây Phương Cực Lạc quá đẹp đẽ như trong kinh Di Đà. Một cảnh giới lý tưởng, mà ai nghe đến cũng đều phải ham mê thích thú. Vì thế, nên hiện giờ có nhiều người do tâm tham đắm cảnh giới Cực Lạc, sống đầy đủ và sung sướng muốn chi có nấy, nên xúm nhau niệm Phật Di Đà cầu vãng sanh Tây Phương. Vả lại, các Tổ thường ca ngợi pháp môn Tịnh Độ rất dễ tu, phù hợp với căn cơ con người thời đại hiện nay, nghe những lời đường mật cám dỗ này ai mà không ham thích. Phải không các bạn? Vấn đạo sẽ lần lượt vạch mặt, vạch tên từng pháp môn của ngoại đạo, để cho tín đồ Phật giáo, thấy được bộ mặt thật thâm độc của họ đã và đang cố tình dìm và giết Phật giáo, nhất là đạo đức của đạo Phật. Hiện giờ người ta chẳng biết đạo đức của Phật giáo cụ thể như thế nào? Hỏi đến ai cũng chung chung chẳng rõ, dù bậc đó là những bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức v.v.. Kinh sách phát triển đã biến đạo đức của Phật giáo thành một thứ đạo đức “mê tín”, một thứ đạo đức thụ động, phi đạo đức, khiến cho Phật giáo không có đạo đức làm người, chỉ biết tu hành theo đạo Phật là làm việc từ thiện, cúng bái, cầu khẩn, van xin, ngồi thiền, nhập định, niệm Phật, niệm chú, bắt ấn, tụng kinh, tụng kệ, sám hối, v.v.. Với việc làm này, mục đích sẽ được giải thoát và cuối cùng thành Phật và ít nhất cũng được dự vào hàng Thánh nhân. Hành động từ thiện của giáo phái phát triển là Tứ Nhiếp Pháp, dùng để khuyến dụ người theo đạo mình, hơn là làm việc từ thiện. Với những lời lừa đảo “Bố thí, cúng dường sẽ được phước báo vô lượng” như: cúng dường xây cất chùa, tháp, đúc chuông, đúc tượng và cúng dường trai tăng tứ sự v.v.. sẽ được phước báo vô lượng vô biên. Trong khi đạo Phật ra đời nhằm đem lại cho loài người một đạo đức giải thoát, mang lại cho cá nhân mỗi người được hạnh phúc, an vui, thanh thản, bình đẳng, sống hoà hợp, biết tha thứ và thương yêu nhau, biết nhẫn nhục, tùy thuận, và đùm bọc lẫn nhau, chứ đâu có lường gạt người như thế. Vấn đạo sẽ làm sáng tỏ lại pháp môn của đạo Phật và dựng lại nền đạo đức không làm khổ mình, khổ người, mà từ hai mươi lăm thế kỷ nay không còn ai nhắc nhở và biết đến. Vấn đạo sẽ giúp cho quý vị giữ gìn giới luật nghiêm túc, bằng cách hướng dẫn các pháp tu tập cụ thể, thiết thực để quý vị thực hành sống một đời sống đạo đức, đạo hạnh, có một cuộc sống không làm khổ mình, khổ người, an vui, thanh thản và vô sự.https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1 Vấn đạo giúp cho quý vị suy nghĩ, lời nói và hành động luôn luôn buông xả, cởi mở, ôn tồn, nhã nhặn, từ tốn, êm dịu để mang lại cho mình một tâm hồn an vui, thanh thản, và mang lại cho người một tâm hồn khoan dung, thương yêu và đầy lòng tha thứ. Vấn đạo giúp cho các bạn biết rõ cách thức ngăn ác pháp và diệt ác pháp, luôn sống trong thiện pháp, an trú thiện pháp, thường sống tu tập “Tứ Chánh Cần”. Vấn đạo còn giúp ta biết cách tu tập “Tứ Niệm Xứ” rất cụ thể, rõ ràng, để khắc phục tâm tham ưu ở đời bằng pháp “hướng tâm như lý tác ý”. Vấn đạo giúp ta rõ thấu cách thức tu tập rèn luyện đạo lực, để điều khiển nhập bốn định (Tứ Thánh Định), làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Vấn đạo còn giúp chúng ta biết rõ cách thức tập luyện pháp hướng tâm để biết cách thành tựu “Tứ Như Ý Túc và Tam Minh”. Vì vấn đạo có lợi ích như vậy, chúng ta hãy đọc và nghiên cứu, cẩn thận, kỹ lưỡng từng danh từ, ngôn ngữ, để chúng ta hiểu rất rõ và nắm vững cách thức tu tập, không còn bị ai lừa đảo được, do đó tu hành mới đạt được như sở nguyện. Giáo lý đạo Phật khó, chỉ vì ta chưa thấu triệt và từ lâu đời (2542 năm) đã bị giáo lý ngoại đạo che khuất, bằng cách mạo danh là Phật thuyết. Đạo Phật khó, chỉ vì ta chưa có nhiệt tâm, thiếu lòng tin tưởng nơi Phật, Pháp, Tăng, vì thời nay Phật, Pháp, Tăng đều giả hiệu, khiến Thầy Tổ chúng ta tu mãi mà chẳng ra gì, đến khi chết phải chịu quá nhiều bệnh tật nghiệt ngã, khổ đau. Đạo Phật khó, chỉ vì ta chưa biết đời sống con người khổ, khổ như thật, nên còn đắm mê những vật chất dục lạc thế gian, chưa chịu buông xả và dứt bỏ. Đạo Phật sống khó, chỉ vì tâm chúng ta chưa nhàm chán các pháp dục lạc thế gian, mãi còn chìm đắm trong đó. Đạo Phật khó, chỉ vì chúng ta bị lừa đảo bằng các pháp môn của Bà La Môn giả hiệu pháp môn của Phật, nên chúng ta tu sai pháp, lạc pháp, không có kết quả cụ thể, phần nhiều là lý thuyết suông. Đạo Phật khó, chỉ vì chúng ta thiếu một thiện hữu tri thức có kinh nghiệm tu hành theo chánh pháp của Phật, biết rõ đường đi nước bước chơn thật, không còn sợ bị lầm đường, lạc lối. Đạo Phật khó, chỉ vì từ lâu chúng ta hiểu qua giáo lý của đạo Phật, bằng kiến giải của các nhà học giả. Do đó, vấn đạo sẽ phơi bày các pháp hành cụ thể, thực tế để mọi người biết rõ, dứt bỏ những điều sai quấy bất thiện, biết xa lìa những sự cám dỗ vật chất thế gian, biết ngăn chặn những pháp ác trong tâm, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau đúng cách, biết tùy thuận, tha thứ những lỗi lầm của những người khác, biết nhẫn nhục đoàn kết và xả bỏ lòng hận thù riêng tư, biết làm vui lòng mình, vui lòng người. Vì thế, đọc vấn đạo quý vị đừng vội tin mà hãy suy ngẫm, càng suy ngẫm thì quý vị mới càng thấm thía, có thấm thía quý vị mới tin sâu Phật pháp, có thấm thía quý vị mới thấy đạo Phật ra đời là vì loài người, vì sự khổ đau của con người, vì sự lầm chấp thế giới hữu hình và thế giới siêu hình là có thật. Lần lượt những tập “Đường Về Xứ Phật” sẽ đến với quý vị, tâm tình chia sẻ những nỗi u hoài, khắc khoải trên bước đường tu tập thiền định của đạo Phật với quý vị. Và những tủi nhục, xấu hổ khi thấy những vị Tỳ Kheo (tu sĩ Phật giáo) ngang nhiên phạm giới luật, xem thường giới luật, và bẻ vụn giới luật trước mặt tín đồ mà chẳng hề có chút lòng hối hận, ăn năn. Những người không tôn giáo và những tín đồ các tôn giáo khác sẽ phê bình cười chê ra mặt, họ dùng những lời châm biếm, chế giễu của những người bình dân:“Thầy chùa ăn vụng cá kho, bà vải bắt được đánh mo lên đầu” hay “Xoài cà lăm nhỏ trái mà chua, thầy tu mê gái bỏ chùa không ai coi”. Còn rất nhiều câu ca dao, tục ngữ dân gian và các thơ văn của các thi sĩ nổi tiếng nói về tu sĩ đạo Phật một cách châm biếm rất là đau lòng xót dạ mà chúng tôi không thể nêu ra đây hết được. Không biết các bậc tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng và Ni trong cả nước khi phạm giới luật của Phật, quý vị có buồn lòng tự xấu hổ với những việc làm của mình hay không? Vừa rồi, chúng tôi có đọc một tờ báo ở Hà Nội nói về vụ ăn cướp xe gắn máy là một tu sĩ Phật giáo. Nếu chúng ta không đọc báo chí thì thôi mà theo dõi báo chí thì thỉnh thoảng chúng ta đọc những tin tức về giới tu sĩ Phật giáo phạm pháp luật nhà nước, thật là đau lòng. Đến đây xin tạm dừng hẹn lại quý vị ở tập sau.