Sinh ra làm người, hình như chỉ có thời ấu thơ cho tới niên thiếu, là thời gian chúng ta được thư thái nhẹ nhàng nhất, bởi còn sống trong vòng tay của cha mẹ, gia đình. Sau đó, từ tuổi 18, 20 trở đi, là giai đoạn trưởng thành, mỗi người phải lăn xả vào cuộc đời tìm miếng cơm manh áo, tìm chỗ đứng, để tồn tại. Và những bổn phận đối với bản thân, gia đình, cơ quan, cộng đồng…liên tiếp đè nặng lên vai, kéo dài đến mấy chục năm. Nhạc sĩ Y Vân đã viết trong bài hát 60 năm cuộc đời rằng: “Em ơi có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời. Hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu. Hai mươi năm sau sầu vương cao vời vợi. Hai mươi năm cuối là bao…”. Những gánh nặng ấy có phải bắt buộc dành cho chúng ta hay không? Và nếu phải gánh thì làm cách nào để nó nhẹ nhàng hơn, để nó không bóp nghẹt cuộc sống chúng ta trong sự nặng nề, chán nản. Thực sự, đã sinh ra làm người, nghĩa là từ tấm bé cho tới lúc trưởng thành, chúng ta đã thọ nhận biết bao nhiêu ơn nghĩa của cộng đồng chung quanh. Từ cha mẹ dưỡng nuôi vất vả, cho tới thầy cô dạy dỗ, rèn luyện, bạn bè giúp đỡ, cận kề, rồi hạt gạo của người nông dân, tấm áo của người công nhân dệt may hôm sớm, đến giọt nước uống, quyển sách, cây bút, chiếc bàn làm việc, chiếc xe di chuyển, ngôi nhà trú mưa ẩn nắng, lọ hoa xinh tươi, bộ phim hay, vở kịch tốt v.v… tất cả đều có công lao của những người chung quanh. Mấy mươi năm cuộc đời, chúng ta thọ nhận nhiều không kể xiết. Như vậy, chúng ta phải biết đền đáp, phải có bổn phận gánh vác trách nhiệm với đời, coi như trả ơn. Ai cũng có những điều hữu ích cần phải làm, thì mới đúng nghĩa là con người. Nếu trốn tránh, lười biếng, thì chẳng khác nào loài ký sinh, vô dụng, chỉ làm người khác chán ngán và mệt mỏi. Một người được kính trọng, yêu thương chính là người đã gánh vác nhiều bổn phận cho tha nhân, đem lại niềm vui và sự bình an cho mọi người. Riêng người Phật tử tại gia, lại càng phải ý thức về bổn phận của mình, càng tự nguyện gánh vác nhiều hơn, đúng nghĩa là Bồ Tát hạnh. Người đời có thể làm bổn phận với tinh thần miễn cưỡng, hoặc “sòng phẳng” ơn nghĩa, nhưng người Phật tử phải làm bổn phận với trái tim vị tha, yêu thương, vui vẻ mà làm, tận tụy mà làm, coi đó là niềm hạnh phúc của mình. Có như vậy, hai chữ “bổn phận” mới không trở thành áp lực, không đè nặng lên đôi vai, và mọi gánh nặng sẽ trở thành nhẹ nhàng hơn, dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách. Suy cho cùng, “bổn phận” phải trở thành “công hạnh” thì chúng ta mới tiến tu lên quả vị thánh. Làm mọi bổn phận trong một tâm thế an nhiên, tự tại, thì cuộc đời này nơi nào cũng an vui, thanh tịnh. Gánh Nặng Nhẹ Tênh NXB Phương Đông 2011 Diệu Kim 70 Trang File PDF-SCAN Link download https://drive.google.com/file/d/1-NmiMSbWMN09ktE_401C0R7QsRkTJgGphttps://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1