Sự phát triển mạnh mẽ và thâm nhập ngày càng sâu của văn hóa vào nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có văn học, làm cho mọi người càng thức nhận vai trò và sự gắn kết của văn hóa với văn học vốn đã có từ trong bản chất đến nay lại càng sâu sắc và không thể chia tách. Văn học là sự tự ý thức văn hóa. Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa, chịu sự chi phối ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa mà còn là một trong những phương tiện tồn tại và bảo lưu văn hóa. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa của một thời đại và truyền thống văn hóa độc đáo của một dân tộc, đồng thời thể hiện cả nội hàm tâm lý văn hóa độc đáo của một thời đại và một cộng đồng dân tộc. Cùng với hệ thống giá trị văn hóa là những mô thức văn hóa riêng của một cộng đồng dân tộc, văn học đã tự giác tiếp nhận và thể hiện những giá trị và mô thức mà cả cộng đồng tôn trọng và tuân thủ. Mặt khác, nhà văn – chủ thể sáng tác phải là con đẻ của một cộng đồng, thuộc về một cộng đồng nhất định, muốn hay không anh ta cũng đã tiếp nhận những thành tố văn hóa của cộng đồng mình, những lối tư duy, những mô thức ứng xử trong đó chứa đựng nội hàm văn hóa tâm lý riêng của thời đại cũng như những ngưng tụ giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Vì vậy nhà văn dù sáng tạo tới đâu, viết ra hay nói ra vấn đề gì thì cũng vẫn thể hiện tâm thái văn hóa và những kết cấu tâm lý văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Từ mối quan hệ của nhà văn tới công chúng bạn đọc là một quá trình chuyển tải mã văn hóa của cộng đồng thăng hoa thành ngôn ngữ, các biểu tượng, thành mã riêng của nhà văn. Sự tiếp nhận của độc giả tuỳ thuộc vào trình độ công chúng và quan trọng hơn là nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ của thời đại, những điều này nằm trong tâm thức văn hóa của thời đại và công chúng độc giả. Điều này lý giải vì sao người ta lại thích tác phẩm này hơn tác phẩm khác, thể loại này hơn thể loại khác cho dù thời đại sinh ra chúng đã qua đi. Thêm nữa, khi đọc và tìm hiểu văn học nước ngoài, ở đây chúng tôi lấy dẫn chứng từ nền văn học Trung Quốc vốn gần gũi về tương đồng văn hóa với Việt Nam; trên thực tế không chỉ là quá trình vận dụng những hiểu biết về ngôn ngữ nước ngoài - vốn đã không dễ dàng đối với nhiều người, mà quan trọng hơn là phải hiểu được bối cảnh văn hóa của dân tộc khác, hiểu được những ngữ nghĩa văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong vỏ ngôn ngữ của họ, hiểu được những mô thức tư duy, tâm thái văn hóa, những mã văn hóa của cộng đồng khác, thậm chí vô cùng khác lạ với người nghiên cứu. Nói khác đi là muốn hiểu văn học nước ngoài không chỉ đơn giản là biết tiếng nước ngoài mà còn cần biết cả nền văn hóa của cộng đồng ấy, mới mong hiểu được thấu đáo văn học của họ. Chính vì vậy mà việc tìm hiểu và giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học không chỉ cần thiết cho việc nghiên cứu văn học trong nước mà cũng sẽ vô cùng cần thiết đối với việc nghiên cứu văn học nước ngoài. Phương pháp này sẽ tìm được những cơ sở khoa học liên ngành cần thiết và hợp lý. Cách thức giải mã này là đặt văn học vào bối cảnh rộng lớn của văn hóa - xã hội, hoặc trong ảnh hưởng qua lại của văn học đối với những hiện tượng văn hóa xã hội khác, từ đó làm nổi bật những sắc thái văn hóa phong phú được thể hiện trong tác phẩm văn học; hoặc giải mã khám phá những phù hiệu, biểu tượng hàm ẩn muôn vàn lớp nghĩa trầm tích của văn hóa trong văn bản văn học cụ thể. Qua lớp bề mặt của ngôn ngữ tác phẩm, trên cơ sở so sánh hiện thực và lịch sử, đi sâu khám phá nội hàm tâm lý văn hóa và hạt nhân văn hóa tiềm ẩn trong nhiều lớp trầm tích của tác phẩm, đối chiếu tổng thể trên nhiều bình diện, nhiều góc độ, nhà nghiên cứu có thể đánh giá hết cái hay cái đẹp của tác phẩm văn học và ý nghĩa quan trọng của văn học đối với cuộc sống của nhân loại. Có điều rằng, lâu nay xem xét mối quan hệ của văn hóa đối với văn học vẫn có thể vẫn bị coi là một phương pháp thao tác giản đơn, cụ thể của phê bình văn học theo chủ nghĩa cấu trúc hay phê bình thể loại văn học hoặc là một cái gì đó tương tự như vậy. Người ta coi nó như một góc độ quan sát và giải thích dân dã của phê bình văn học. Tuy nhiên cho dù xem xét như vậy, người ta cũng có thể thu lượm được sự liên thông giữa chỉnh thể văn hóa và sáng tạo thẩm mỹ trong tác phẩm văn học cụ thể, đồng thời đạt được những nhận thức mới và những bình giá mới đối với nội hàm nhiều lớp văn hóa trong tác phẩm văn học. Vì vậy mới dẫn tới sự quan tâm và coi trọng những nghiên cứu và giải thích mối quan hệ gắn bó giữa văn học và văn hóa trong thời đại ngày nay. Giải Mã Văn Học Từ Mã Văn Hóa NXB Đại Học Quốc Gia 2011 Trần Lê Bảo 371 Trang File PDF-SCAN Link download https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/119188 https://drive.google.com/file/d/1oQj1QY7W2rvBz-m0ygFUD_3QZy1qc9T3https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1