Giòng Nước Ngược Thơ Tập 1 (NXB Phượng Giang 1952) - Tú Mỡ, 155 Trang

Discussion in 'Tác Phẩm Kinh Điển' started by admin, May 24, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    [​IMG]
    Về hình thức thì thế, mà về ý tưởng cũng vậy. Trong văn chương bác học, ta thấy đầy những điển tích chép nhặt trong các sách Tàu. Trong một bài diễn văn, ông Lê Dư đã bênh vực cho nền văn bác học bằng một câu rất có ý nghĩa: "Văn không có điển tích không phải là văn". Nào chỉ có điển tích. Văn chương bác học nước ta lại còn phải ở trong khuôn phép thánh hiền, không bao giờ được vượt ra ngoài những tư tưởng luân lý, như tam cương, ngũ thường.
    Không dùng điển tích, không hề đạo mạo, đó là hai tính cách cốt yếu của văn chương bình dân. Và tuy cũng theo luân lý cổ nhưng văn chương bình dân xiết bao giản dị với những tính tình chân thành, với những nguyện vọng thiết thực. Khi bọn bình dân gặp một sự gì trái ngược với tính tình và nguyện vọng của họ, họ liền mạnh bạo thốt ra những lời văn oán trách chẳng chút rụt rè che đậy bằng những ý tứ mập mờ, bóng bảy, cao xa. Ta hãy nghe bài hát sau này của một người đàn bà nhà quê, về thời vua Minh Mệnh:
    Tháng tám có chiếu vua ra
    Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
    Không đi thì chợ không đông
    Đi thì bóc lột quần chồng sao đang
    Có quần ra quán bán hàng
    Không quần đứng nấp đầu làng trông quan​
    Lời văn thành thực giản dị mà táo bạo và ngộ nghĩnh ấy, không hề thấy có trong văn chương bác học, tuy văn chương bác học cũng nhiều khi nhiễm tư tưởng trào phúng, - cái trào phúng nặng nề đầy điển tích và nhút nhát rụt rè đối với kẻ có quyền thế.
    Vì vậy, muốn biết tập quán, phong tục trong dân về thời nào, không gì bằng đọc văn bình dân, nghĩa là những ca dao tục ngữ của thời ấy: Đó là những cái gương phản chiếu tính tình và nguyện vọng của cả một thời đại. Hát một câu ca dao hay, ta biết cổ nhân vui hay buồn, sung sướng hay khổ sở. Ta ngậm ngùi rằng tác giả không để tên để tuổi lại hậu thế. Song đó cũng là một tính cách bình dân: Sống không để ai biết đến, có danh vọng cũng không cần ai hay. Những áng văn vô danh kia, đời đời ta truyền khẩu cho nhau, không bao giờ để mai một đi, như thế cũng đủ làm hài lòng bọn bình dân rồi, vì họ đã lưu được lại cái linh hồn chân thật của cả một nòi giống.
    Song tuy thế mà thỉnh thoảng ta vẫn thấy một vài tác giả có chân tài trong phái bình dân. Đó là một sự rất hiếm trong văn giới nước ta, vì bọn học giả mình thường chỉ biết ngày xưa theo văn Tàu, ngày nay theo văn Tây, - có khi theo một cách nô lệ, - mấy ai đã lưu ý đến văn chương bình dân.
    Mà thực ra thì ta vẫn khao khát được đọc văn bình dân, ta vẫn quý trọng các nhà văn bình dân. Cô Hồ Xuân Hương tuy lẳng lơ nhưng vẫn được ta yêu tài và truyền tụng những bài thơ cợt nhả. Vì cô là một nhà văn bình dân. Ông Tú Xương tuy mỉa đời mà vẫn được đời kính mến. Vì ông là một nhà văn bình dân. Và ngày nay Tú Mỡ tuy tinh nghịch đùa bỡn, chế nhạo mà vẫn không mấy người ghét được. Vì Tú Mỡ cũng là một nhà văn bình dân.
    So sánh Tú Mỡ với ông Tú Xương và cô Xuân Hương, hẳn có người cho là hơi quá, vì họ thấy hai bậc văn hào kia tuy viết văn giản dị song đều ở trong phái nho học, còn Tú Mỡ thì lại là một nhà Pháp học. Nhưng văn bình dân không cần cỗi rễ ở đâu hết, quý hồ tả được tính tình và cốt cách của cả một dân tộc là đủ rồi. Mà văn Tú Mỡ thì cũng như văn ông Tú Xương, văn cô Hồ Xuân Hương, cũng như những câu ca dao tục ngữ, quả thực hoàn toàn có tính cách An Nam. (Khái Hưng - ngày 25 tháng 9 năm 1934)
    • Giòng Nước Ngược Thơ Tập 1
    • NXB Phượng Giang 1952
    • Tú Mỡ
    • 155 Trang
    • File PDF-SCAN
    Link Download
    http://issuu.com/nvthuvien/docs/t___m____-_gi
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
     
    Last edited: Dec 31, 2019

Share This Page