Trong lịch sử gốm Việt Nam, loại gốm sành, còn được gọi là gốm sành nâu, xuất hiện từ những thế kỉ đầu công nguyên, cách đây gần hai ngàn năm. Các lò sành nâu đầu tiên được các nhà khảo cổ học phát hiện ở di chỉ thuộc địa bàn các tỉnh Thanh Hoá, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Từ thế kỉ XIV - XVI trở đi, gốm sành nâu bắt đầu được biết đến và nổi tiếng với các địa danh Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh), Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), Quế (Kim Bảng, Hà Nam), Móng Cái (Đông Triều, Quảng Ninh), Mường Chanh (Mai Châu, Sơn La), Bến Ngự, Lò Chum (Thanh Hoá), v.v... Trong nhiều thế kỉ, địa bàn tiêu thụ của gốm sành nâu đã trải rộng từ các tỉnh biên giới phía Bắc tới tận Nam Trung Bộ; đặc biệt, vào các thế kỉ XVI, XVII, trong bối cảnh giao lưu gốm sứ diễn ra rất sầm uất ở ven biển Đông Á, những sản phẩm gốm sành miền Trung đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với một số lượng lớn. Với ưu thế dầy dặn, bền chắc, suốt quá trình tồn tại, vượt lên trên chức năng ban đầu là những sản phẩm dùng trong sinh hoạt gia đình, gốm sành nâu đã được ứng dụng trong điêu khắc trang trí nội, ngoại thất các kiến trúc truyền thống như đền đài, lăng tẩm, đình miếu, chùa tháp, v.v... Hiện nay, gốm sành nâu còn được sử dụng trong nghệ thuật hoa viên, nhà vườn, tiệm ăn, quán bar..., và trang trí những khoảng không gian rộng bao bọc các kiến trúc hiện đại. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các mặt hàng như bình, lọ cắm hoa, nậm rượu, đèn treo, đèn vườn, chum cảnh, chậu cảnh, tranh, tượng, phù điêu, đĩa treo tường... được làm bằng chất liệu sành nâu của một số hoạ sĩ gốm đang có xu hướng trở thành một thứ “mốt” thời thượng. Có thể nói, với sành nâu, khả năng ứng dụng của gốm trong đời sống xã hội ngày càng đa dạng. Gốm Sành Nâu Ở Phù Lãng NXB Lao Động 2011 Trương Minh Hằng 307 Trang File PDF-SCAN Link Download https://drive.google.com/file/d/1pWx8d4cf1b40YMC610kJWsmmOGyZzbXThttps://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1