Từ nhiều thế kỷ trước đây, với tư cách là một quốc gia giữ vị trí cầu nối giữa hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, lại nằm trên một trong hai tuyến chính của hệ thống hải thương Đông Nam Á, Việt Nam đã sớm có quan hệ với nhiều vương quốc, nhiều nền văn hóa và trung tâm kinh tế ở khu vực châu Á và thế giới. Trong lịch sử, người Việt và các cộng đồng cư dân sống trên lãnh thổ Việt Nam đã sớm có truyền thống khai thác biển, phát triển kinh tế hải thương. Từ những thế kỷ trước, sau Công nguyên, chủ nhân các nền văn hóa Văn Lang - Âu Lạc ở phía Bắc, Sa Huỳnh - Lâm Ấp - Chămpa ở miền Trung và Óc Eo - Phù Nam ở phương Nam đã có truyền thống khai thác biển, phát triển kinh tế, văn hóa biển và có nhiều mối liên hệ rộng lớn với thế giới bên ngoài. Đến thế kỷ 10, trong thế đi lên của một dân tộc tự cường, các triều đại quân chủ Việt Nam đã chủ động thiết lập và mở rộng quan hệ giao thương với nhiều quốc gia trong khu vực. Trong suốt nhiều thế kỷ, các thương cảng của Việt Nam ở vùng biển đảo Đông Bắc (như Vân Đồn) hay miền Trung (mà tiêu biểu là các cửa ngõ giao thương vùng Nghệ - Tĩnh, Chiêm cảng - Hội An hay Thị Nại, Cù lao Phố, Hà Tiên…) đã có nhiều mối giao lưu rộng lớn với các quốc gia trong Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Thuyền buôn và sứ thuyền từ Trung Quốc, Lưu Cầu cũng như các vương quốc Chămpa, Java, Palembang, Sukhothay, Ayutthaya, Chân Lạp… đã đến thiết lập quan hệ thương mại với Việt Nam. Sự hưng thịnh của quan hệ bang giao, giao thương quốc tế cũng như sự hình thành hệ thống thương cảng ở khu vực Đông Á không chỉ đem lại sự phồn vinh cho các dân tộc châu Á mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết, quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc. Trong các mối quan hệ đa dạng với các quốc gia Đông Nam Á và châu Á, là một nước giàu tiềm năng kinh tế, tương đối phong phú về tài nguyên tự nhiên, lại có nhiều nghề thủ công truyền thống phát triển, Việt Nam đã có thể giao lưu, xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa, trong đó có gốm sứ với thị trường bên ngoài. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Mạc và Lê sơ, Lê Trung Hưng… nhiều sản phẩm gốm sứ Việt Nam đã được đưa đến Nhật Bản và khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Nam Á và nhiều vùng biển xa xôi khác. Gốm sứ và các sản phẩm thương mại Việt Nam hiện cũng đã được phát hiện ở nhiều thương cảng, di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử và văn hóa của các quốc gia Đông Nam Á, Tây Nam Á và châu Âu. Đó là các sản phẩm thương mại chủ yếu được luân chuyển qua các tuyến hải thương nhưng các sản phẩm hàng hóa độc đáo, phong phú của Việt Nam cũng là minh chứng cho sức lan tỏa của các hoạt động kinh tế và quan hệ giao thương rộng lớn giữa Việt Nam với các quốc gia châu Á trong lịch sử. Trong sự phát triển chung của các ngành, chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu của Khoa học Lịch sử thuộc Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, Khảo cổ học luôn có vai trò, vị trí quan trọng. Trong những năm qua, cùng với việc triển khai các chương trình đào tạo, nghiên cứu cơ bản, truyền thống Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, trong sự kết hợp hết sức chặt chẽ với Bảo tàng Nhân học và các đơn vị khoa học khác ở trong và ngoài Trường, Khoa Lịch sử đã triển khai nhiều kế hoạch, hoạt động nghiên cứu về biển. Có thể nói, hiện nay ở Khoa Lịch sử đã thực sự hình thành ba nhóm nghiên cứu về biển gồm có: Nhóm Nghiên cứu Lịch sử và Chủ quyền Biển đảo Việt Nam của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc; Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á của Bộ môn Lịch sử thế giới và Nhóm Nghiên cứu Khảo cổ học Biển đảo của Bộ môn Khảo cổ học. Ba Nhóm nghiên cứu đã có sự phối kết hợp chặt chẽ trong các hoạt động khoa học, đã bổ sung tư liệu và cung cấp những thông tin, tri thức, kinh nghiệm nghiên cứu cho nhau. Hoạt động chuyên môn của ba nhóm đã đạt được một số thành tựu khoa học quan trọng. Tiếp nối các thành tựu và bước phát triển quan trọng đó, Hội thảo khoa học lần này của Bộ môn Khảo cổ học và Khoa Lịch sử với sự tham gia của đại diện 16 đơn vị, cơ quan nghiên cứu, với nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khoa học trong một cách nhìn phân tích, kết hợp giữa nghiên cứu chuyên ngành với nghiên cứu liên ngành và đa ngành sẽ đem đến cho Hội thảo chúng ta một cách nhìn, tiếp cận khách quan, toàn diện về vị thế biển Việt Nam, vai trò của biển đối với sự phát triển của các nền văn hóa, của các vương quốc cổ, quá trình khai thác, phát triển kinh tế biển, xác lập chủ quyền và quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo đầy gian khổ, hi sinh của các thế hệ người Việt Nam. Hiện nay, trong lòng biển Việt Nam và cả một chuỗi các di tích ven biển, ở các thương cảng thậm chí cả các di tích, di chỉ nằm sâu trong đất liền vẫn còn ẩn tàng nhiều di sản của quá khứ, của một thời mà dân tộc ta, chủ nhân các nền văn hóa Đại Việt, Chămpa, Óc Eo - Phù Nam và cả các triều đại sau đó đẩy mạnh giao thương, giao lưu kinh tế với thế giới bên ngoài. Tại cuộc hội thảo này, vì mục tiêu đào tạo và sự phát triển vững bền của một chuyên ngành đào tạo, các nhà khoa học trong và ngoài Trường, trong nước và quốc tế cũng sẽ bàn thảo một số vấn đề về lý luận và phương pháp về Khảo cổ học biển đảo và đặc biệt là những định hướng lâu dài, cơ bản cho sự phát triển của một ngành học. Với ý nghĩa và tinh thần đó, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hoan nghênh Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử đã có sáng kiến và tích cực chuẩn bị nội dung chuyên môn cho cuộc hội thảo Khảo cổ học Biển Đảo Việt Nam: Tiềm năng và triển vọng. Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin được trân trọng cảm ơn sự hợp tác và giúp đỡ quý báu của Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á - ĐHQGHN, các nhà khoa học thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng… đã nhiệt thành giúp đỡ và dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho công tác đào tạo, nghiên cứu, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế của Bộ môn Khảo cổ học, Bảo tàng Nhân học, Khoa Lịch sử thuộc Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, với cách tiếp cận chuyên ngành và kết hợp với nghiên cứu liên ngành, cuộc hội thảo chắc chắn sẽ thu được nhiều kết quả khoa học tốt đẹp. Khảo Cổ Học Biển Đảo Việt Nam NXB Đại Học Quốc Gia 2017 Lâm Thị Mỹ Dung 761 Trang File PDF-SCAN Link download https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/61719 https://drive.google.com/file/d/1gjII14NqUNXONVczPRWtzzqzgaxg2hcShttps://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1