Từ những thế kỷ xa xưa, khi Đức Lê Thánh Tông từ trên đỉnh Hải Vân phóng tầm nhìn ra cả môt vùng biển và đất phương Nam đã khơi gợi ý niệm về một tiền đồ rộng mở của Đại Việt. Vì thế cái tầm nhìn ấy, trước tiên được đọng lại trong một cái địa danh: “xứ Quảng”. Cái không gian xứ Quảng ấy không phải là miền đất hoang sơ mà đã là một không gian của những nền văn hóa rất đặc sắc và phong phú, một lãnh thổ đã từng tồn tại và phát triển một quốc gia của cư dân bản địa găn với dân tộc Chăm mà sau này giao hoà với người Việt để tạo nên một không gian văn hóa đặc thù và đặc sắc của xứ Quảng trong lòng Đại Việt. Nhận thức về vùng đất này trên phương diện lịch sử là một phần không thể thiếu được của Lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Nó là một đối tượng nghiên cứu của giới nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn nói chung của giới sử học nói riêng, trong nước cũng như quốc tế. Và đương nhiên, nó cũng là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng cư dân sống trên Xứ Quảng mà trước hết là giới nghiên cứu của một vùng đất cũng đáng tự hào là Đất Học danh giá của những “Thầy Quảng” bên cạnh những Thăng Long, Kinh Bắc, Xứ Đông hay Xứ Đoài ở Bắc bộ, những Thanh Nghệ, Phú Xuân - Huế của Trung Bộ hay miền Gia Định - Đồng Nai ở Nam bộ. Xứ Quảng tiềm tàng một kho tàng giá trị quý báu của quá khứ gắn với các địa danh từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Hòa Vang, Trà Kiệu, Ngũ Hành Sơn... trong đất liền vươn xa tới quần đảo Hoàng Sa ngoài biển Đông...; gắn với các tên tuổi từ đấng quân vương thời khởi nghiệp như Lê Thánh Tông đến thời Nhà Nguyễn từ Minh Mạng đến Duy Tân; cùng các bậc công thần của nhiều thời như Mạc Công Thần, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Thoại... và các nhà cách mạng từ thời cận đại như Nguyễn Thành, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Thái Phiên, Trần Cao Vân,... cho đến thời hiện đại như Phan Thanh, Lê Văn Hiến, Lâm Quang Thự...Tất cả đều là những nguồn cảm hứng bất tận cho những ai tha thiết với truyền thống quê hương xứ Quảng lừng danh với tư chất kiên cường và luôn tìm tòi Đổi mới mà xưa gọi là “Duy Tân”. Cuốn sách này chỉ là một tập hợp nhỏ những bài nghiên cứu gắn với tên tuổi của vài thế hệ những nhà nghiên cứu lịch sử gần đây của xứ Quảng, với những tên tuổi đã quá cố như Hoàng Châu Ký, Nguyễn Văn Xuân; nhiều nhà quản lý và nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ tuổi tác khác nhau gắn bó với những hoạt động nghề nghiệp của Hội Sử học Đà Nẵng trong hơn một thập kỷ vừa qua. Nó là sự khẳng định và cũng để biểu dương một mảnh đất giàu tiềm năng đang được một đội ngũ giàu năng lực và nhiệt tình khơi thác từ những dòng mạch của truyền thống cho công cuộc xây dựng và phát triển xứ Quảng ngày nay. Trân trọng những thành quả nghiên cứu của các thế hệ đồng nghiệp xứ Quảng, xin đuợc trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ấn phẩm này. (Dương Trung Quốc) Lịch Sử Xứ Quảng-Tiếp Cận Và Khám Phá Bùi Xuân, Bùi Văn Tiếng NXB Đà Nẵng 2010 546 Trang File PDF-SCAN Link Download https://drive.google.com/drive/u/0/folders/0BzEOT3i1sZOiSkRIUS1XOW1QN2shttps://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1