Một Nhận Thức Về Văn Học Dân Gian Việt Nam (NXB Đại Học Quốc Gia 2012) - Nguyễn Xuân Kính, 821 Trang

Discussion in 'Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam' started by quanh.bv, May 30, 2017.

  1. quanh.bv

    quanh.bv Hỗ Trợ Diễn Đàn Staff Member Quản Trị Viên

    upload_2022-9-21_16-33-21.png
    Tiếp nối các chuyên khảo Thi pháp ca dao (1993; tái bản lần thứ năm, 2012) và Con người, môi trường và văn hóa (2003; tái bản 2009), có thể coi Một nhận thức về văn học dân gian Việt Nam (NXB Ðại học Quốc gia Hà Nội, 2012) là sự tổng kết học thuật của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kính qua cả chặng đường dài tiếp cận văn hóa - văn học dân gian Việt Nam.
    Vốn là người được đào tạo một cách hàn lâm nhưng nhờ khả năng thâm nhập vào thực tiễn hoạt động điền dã, sưu tầm, khảo sát văn bản và công tác giảng dạy, đào tạo mà phong cách nghiên cứu của Nguyễn Xuân Kính trở nên dung dị hơn, kết hợp được lý thuyết chuyên sâu với muôn mặt đời sống văn học dân gian. Trên cơ sở nhận thức khái niệm và lý giải các phương diện hợp thành khoa nghiên cứu văn học dân gian (gắn với đặc điểm ngữ văn dân gian và tổng thể văn hóa dân gian), ông phân lập 27 mục bài viết thành sáu nhóm vấn đề chính: Về văn học dân gian Việt Nam nói chung và các thuộc tính; Khoa nghiên cứu văn học dân gian và một số tác gia nghiên cứu tiêu biểu; Về việc phân kỳ và nghiên cứu lịch sử văn học dân gian; Về phân loại văn học dân gian và giới thiệu một số thể loại, tác phẩm tiêu biểu; Về phân vùng văn học dân gian và một nghiên cứu cụ thể; Giới thiệu một số bộ sách về văn học dân gian và bếp núc của việc biên soạn, xuất bản các công trình khoa học...
    Nối tiếp thế hệ các nhà khoa học tiêu biểu như Vũ Ngọc Phan, Ðinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Phan Ðăng Nhật thuộc thời hiện đại và đương đại, Nguyễn Xuân Kính tiếp tục đóng vai trò nhà tổ chức và thực hiện các công trình sưu tầm, biên soạn, văn bản hóa văn học dân gian với các bộ sách bề thế: Tổng tập văn học dân gian người Việt (19 tập), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (23 tập), tham gia dự án Ðiều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên và Phiên âm, biên dịch, xuất bản 25 tác phẩm sử thi Tây Nguyên (91 tập)... Ðây là điều kiện tiên quyết để nhà nghiên cứu nắm vững lịch sử vấn đề, có được nguồn tư liệu phong phú và hướng đến giải quyết những nội dung học thuật chuyên sâu. Cả một hệ vấn đề đã được Nguyễn Xuân Kính đặt ra và triển khai không chỉ ở vị thế nhà tổ chức mà trước hết trong tư cách nhà khoa học, chuyên gia. Ở đây dễ dàng nhận ra những đóng góp nổi trội của ông trong nhận thức các thuộc tính và quan niệm phân kỳ, phân loại, định hướng nghiên cứu văn học dân gian; về hoạt động sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên và nhận diện sử thi M’ Nông, Xê Ðăng; về tương quan di sản văn học dân gian người Việt và các dân tộc thiểu số trong đại gia đình văn hóa Việt Nam... Trên từng khía cạnh học thuật cụ thể, ông trao đi đổi lại, góp thêm những kiến giải riêng, đề xuất thêm những cách hiểu hợp lý. Ðơn cử việc ông bàn lại một quan niệm cho rằng các tác phẩm sử thi là văn chương truyền miệng có giá trị như một thể loại văn học "bác học", "không phải dân gian" (tr.338), hoặc trăn trở với "những câu tục ngữ làm đau đầu nhà soạn sách" (tr.607-619), hoặc đi sâu diễn giải những cách hiểu khác nhau về một lời ca dao Mình nói dối ta mình hãy còn son (tr.645-660)...
    Hòa nhập trong vận hội đổi mới đất nước và không khí dân chủ hóa đời sống học thuật, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Kính đã thẳng thắn chỉ rõ các bước phát triển cũng như những hạn chế, bất cập, kể cả ở phía người làm khoa học trong bối cảnh kinh tế thị trường: "Mặc dù, nước ta chưa phải là nước có nền kinh tế phát triển, nhưng gần đây Nhà nước đã có chính sách thỏa đáng hơn đối với khoa học. Tuy đã có nhiều cải tiến, nhưng cơ chế thanh toán hiện nay vẫn gây khó khăn cho những người thực hiện đề tài. Cũng xin nói thêm, trong một số trường hợp, kinh phí càng tăng thì lòng tự trọng của một số người làm chuyên môn lại càng giảm" (tr.810)... Có thể coi đây là tiếng nói trung thực, đầy trách nhiệm của tác giả đối với hoạt động nghiên cứu văn học dân gian nói riêng và đời sống văn hóa - văn nghệ nói chung. PGS, TS NGUYỄN HỮU SƠN (Viện Văn học)
    • Một Nhận Thức Về Văn Học Dân Gian Việt Nam
    • NXB Đại Học Quốc Gia 2012
    • Nguyễn Xuân Kính
    • 821 Trang
    • File PDF-SCAN
    Link download
    https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/104774
    https://drive.google.com/file/d/1P7Y1WFaC15jPbQbugqTBM3xTW9CPXv-I
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
     

    Zalo/Viber: 0944625325 | buihuuhanh@gmail.com

    Last edited by a moderator: Sep 21, 2022

Share This Page