Một trong những quyển tự vị tiếng Việt xa xưa có liên quan tới tiếng Đàng Trong (trong đó chủ yếu là tiếng Nam Bộ) là quyển “Dictionarium Anamitico-Latinum”, còn có tên gọi khác là “Nam Việt Dương Hiệp tự vị”, của Jean - Louis Taberd, tên Việt là Từ, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1838. Quyển tự vị này có nhiều ngữ liệu liên quan đến phương ngữ Nam Bộ, vì ba lí do: một, theo soạn giả Taberd, cuốn tự vị này được khởi công do vị Giám mục thứ 12 của Giáo phận Đàng Trong là Pigneau De Péhaine (Bá Đa Lộc)(2) soạn vào những năm 1772 - 1773, nhưng chưa xong (Bá Đa Lộc, người Pháp, đến Đàng Trong, Hà Tiên, năm 1767 và ông sống chủ yếu ở Đàng Trong, nên người rất thạo tiếng Đàng Trong); hai, soạn giả Taberd lại là vị Giám mục thứ 17 sang truyền giáo Việt Nam, cũng thuộc Giáo phận Đàng Trong; ông sống và hoạt động chủ yếu ở Đàng Trong (khoảng 20 năm)(3); ba, sự đóng góp hết sức quan trọng của các đại chủng sinh Đàng Trong, đặc biệt là thầy Phan Văn Minh, người làng Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.(4) (trong Thiên Chúa Giáo, thầy Phan Văn Minh là Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), được phong thánh ngày 19/ 6/ 1988, dưới thời Đức Giáo hoàng Jean-Paul II) Có thể nói, Giám mục J. L. Taberd đã học tiếng Việt từ tiếng nói của người dân Đàng Trong. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, không loại trừ ông đã học tiếng Việt Nam Bộ từ chủng sinh Phan Văn Minh khi còn ở quê nhà Bến Tre. Hơn nữa, khi thầy Phan Văn Minh, chưa thụ phong linh mục, sang học ở Đại chủng viện Pénang (Malaisia) thầy đã giúp vị Giám mục Taberd có được những hiểu biết sâu rộng về tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Đàng Trong, để hoàn thành quyển tự vị này. (Theo tư liệu của Thiên Chúa giáo: năm 1835, Đức cha Taberd gọi thầy Philipphê Minh sang Calcutta để cùng với Ngài làm tự vị) Nếu xét công mà nói, nhà ngữ học tiền phong này đã góp một phần công sức vào việc hình thành quyển tự vị. Như vậy, có thể xem người là đồng tác giả cũng nên. Trên bình diện khoa học ngôn ngữ, thầy Phan Văn Minh đã có đóng góp âm thầm cho sự phát triển tiếng Việt, thời kì đầu của chữ Quốc Ngữ. Cần phải ghi nhận Người là vị ngôn ngữ học tiên phong, nhà Từ điển học của khoa Ngữ học, bên cạnh Giám mục J. L. Taberd, trước cả Trương Vĩnh Ký. Quyển “Dictionarium Anamitico Latinum” có khoảng 25.000 mục tự vị. Mỗi mục tự vị tùy đặc trưng ngữ nghĩa có thể có nhiều hay ít mục tự vị được chọn phân tích diễn giải ngữ nghĩa. Mỗi mục tự vị có 3 cột văn tự được xếp theo thứ tự: chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, chữ La-tinh. Chữ Nôm giúp nhận diện về phương diện nghĩa các mục tự vị có cùng hình thức ngữ âm, chữ quốc ngữ được gắn kết trong một chu cảnh giúp nhận diện mục tự vị được chọn để giải thích, chữ La-tinh dùng để giải nghĩa tự. Như vậy, quyển tự vị này cần cho người nước ngoài học tiếng Việt qua chữ Quốc ngữ và trong chừng mực giúp nắm bắt chữ Nôm. Việc giải thích từ ngữ bằng tiếng La-Tinh được xem như một ngôn ngữ khoa học phổ biến thời bấy giờ. (Tuy 2 vị giám mục đều là người Pháp, nhưng họ không chọn tiếng Pháp để giải nghĩa các mục từ, mà lại chọn tiếng La-tinh. Điều này có ý kiến cho rằng, thời ấy hai vị rất coi trọng tính chất khoa học, tính phổ cập của công trình tự vị; mặt khác, cũng loại bỏ được những ý kiến quy chụp là công trình nhằm phục vụ cho chính sách thực dân Pháp thời bấy giờ.). Trong khoảng 25.000 mục từ được chọn giải thích, có rất nhiều mục từ gắn với từ địa phương Nam Bộ. Sở dĩ, có tình trạng này như đã nói trong phần mở đầu do tác giả là những giám mục hoạt động truyền giáo chủ yếu ở Đàng Trong và những cộng sự giúp họ trong quá trình học tiếng Việt hoặc làm từ điển là những học giả xuất thân từ Nam Bộ. Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị NXB India 1838 Bá Đa Lộc 911 Trang File PDF-SCAN Link Download https://drive.google.com/file/d/1UXbPHYqkZuw5a8tLMg2H4jce5iDRuR_Ehttps://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1