Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu

Discussion in 'Địa Chí Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh' started by admin, Sep 11, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    [​IMG]
    Trải qua mấy ngàn năm, nước ta vẫn là một xứ nông nghiệp và lấy xã thôn làm đơn vị cơ sở. Tới đầu thế kỷ 19, cương vực nước ta mới ổn định và thống nhất về mặt hành chính suốt đi từ ải Nam Quan tới mũi Cà mau, gồm khoảng 18.000 làng với các tên gọi khác nhau như xa, thôn, phường, giáp, điếm, ấp, lân, trang, trại, man, sách … Làng nước gắn bó xương thịt với nhau, vì nước là thân thể, còn làng là chi thể. Cả làng và nước đều sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước.

    Cho nên, hai vấn đề nông nghiệp và xã thôn là vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong và lớn mạnh của dân tộc ta. Chúng ta cần tìm hiểu những vấn đề ấy một cách sâu sắc và toàn diện, không chỉ để ôn cố tri tân, mà còn nhằm mục đích góp phần xây dựng một chiến lược phát triển hài hòa cho khắp nước và mỗi người dân, từ thể chất đến tinh thần, từ thành thị đến thôn quê.

    Nhưng dựa trên những sử liệu, những tư liệu nào đó có thể nghiên cứu đề tài đó cho nghiêm túc, khách quan và khoa học? May mắn thay, sau bao tang thương khói lửa, lưu trữ triều đình Huế còn bảo tồn được 10.044 tập Địa bạ, gồm khoảng 18000 quyển cho 16000 xã thôn trong tổng số 18.000 xã thôn toàn quốc đương thời (có lẽ 1 hay 2 ngàn quyển đã bị thất lạc hoặc mối mọt tiêu hủy). Đây là những tài liệu viết tay, không in ấn, nếu mất là mất hẳn.

    Trong kho tàng di sản văn hóa và lịch sử hán nôm, sưu tập Địa bạ là phần đồ sộ nhất còn lưu lại. Nếu bộ Hội điển sự lệ kể hàng ngàn trang, bộ Đại Nam thực lục kể hàng vạn trang, thì bộ sưu tập Địa bạ phải kể hàng triệu trang. Lại nữa, các bộ sử địa chính yếu như Thực lục, Hội điển, Việt sử (Khâm định Việt sử thông giám cương mục), Nhất thống (Đại Nam nhất thống chí) … đã được in ấn thành nhiều bản, mất bản này còn bản khác. Cho nên những tài liệu viết tay như Châu bản hoặc Địa bạ thì càng cần phải bảo vệ kỹ lưỡng hơn. Bảo vệ đây không có nghĩa là bó chặt rồi chất vào kho (làm thế, vi khuẩn cũng sẽ đục mủn ra hết), mà phải cấp tốc đem ra kiểm kê, ghi phiếu, nhân bản và nghiên cứu. Nếu chưa kịp xây kho hay nhân bản thì cũng nên để các nhà nghiên cứu tiếp tục hoặc tiến hành ngay những công trình tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam qua những tư liệu cơ bản đó, vì người đọc được hán nôm và văn bản cổ không còn bao nhiêu.

    Các nhà nghiên cứu sử Việt Nam trong cũng như ngoài nước luôn đánh giá cao phần tư liệu mệnh danh Châu bản bao gồm tất cả những sớ tấu có ghi lời phê bằng son của nhà vua. Điều đó rất chí lý. Các bộ sử địa của triều Nguyễn đều căn cứ trên tài liệu Châu bản này. Tiếc thay, Châu bản chỉ còn lưu giữ được 1 phần 5, nghĩa là còn 602 tập trên tổng số 3000 tập (theo sắp xếp năm 1942). Mội tập Châu bản dày độ 500 tờ, tức 1000 trang; tổng cộng số trang của 602 tập còn lại sũng đã lên tới 602000 trang giấy bản viết chữ chân phương rất đẹp. Trong khoảng 1200000 trang bị mất, chắc có những văn bản trọng yếu liên quan đến mọi lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị đối nội cũng như đối ngoại của triều đình Huế. Người ta thấy thiếu đặc biệt những văn bản nói tới sách lược chống Pháp (suốt từ 1858 đế 1885), sách lược đối phó với Trung Hoa, và cả những bản điều trần canh tân của Nguyễn Trường Tộ (nay mới thu thập lại được một phần), cùng nhiều văn bản quan trọng khác. Những mất mát trên không có gì thay thế được. Thật đáng tiếc! Trọng tội này chỉ còn đổ trên đầu chiến tranh, mối mọt và – không chừng – một số kẻ đánh cắp vô danh nữa.

    Còn về sưu tập Địa bạ, hầu như bị bỏ quên và không được đánh giá cao lắm. Người ta chỉ nói mơ hồ là trước thế chiến thứ 2, trong Tàng Thư Lâu ở Huế có chất đống nhiều sổ ruộng đất (gọi chung là Điền bộ) đang bị mối mọt làm hư nát. Từ khi Nhật đảo chính tháng 3/1945 đến lúc ký kết Hiệp định Gennève 1954, không ai nói đến số phận của sưu tập Địa bạ. Chính trong thời gian này, Châu bản bị hủy hoại và đánh cắp. Sau đó, trên phần còn lại, nhà nghiên cứu Trần Kinh Hòa đã làm được hai bản Mục lục Châu bản: thời Gia Long và thời Minh Mạng. Năm 1959, người ta chuyển toàn bộ Văn khố hoàng triều từ Huế vào Đà Lạt gồm cả 4 phần: Châu bản, Địa bạ, Mộc bản và thư viện ngự lãm. Tại đây, một số công tác kiểm kê, lên danh mục và dập bản đã được thực hiện khá tốt. Đến tháng 3/1975, văn khố hoàng gia được đưa vội vã về Sài Gòn, ngoại trừ phần Mộc bản gồm khoảng 42000 tấm khắc chữ trên gỗ thị hay gỗ mít.
    Từ đó, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu mới có điều kiện đi sâu vào công trình nghiên cứu sưu tập Địa bạ vĩ đại và phức tạp này. Vĩ đại vì toàn bộ sưu tập gồm trên một triệu trang viết chữ hán kèm theo địa danh nôm. Phức tạp vì mỗi quyển trong số 16000 quyển Địa bạ là do một nho sĩ tả bạ có nhiều nét viết khác nhau và do mỗi địa phương có những đặc điểm ruộng đất riêng biệt. Cái vĩ đại và phức tạp ấy đã làm nản lòng nhiều nhà nghiên cứu, nhiều viện khoa học trong cũng như ngoài nước.

    Còn nhớ ngày 15 tháng 12 năm 1986 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia (17 đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. HCM), tôi rất vui mừng và vinh dự chủ trì một buổi thông báo khoa học để nghe anh bạn già trình bày kết quả nghiên cứu Địa bạ Nam kỳ Lục tỉnh. Ai ngờ từ nhiều năm trước, anh đã âm thầm đem hết công sức và phương tiện đi sâu vào lãnh vực nghiên cứu vừa khô khan vừa bạc bẽo này, nhưng cũng cực kỳ ích lợi cho chúng ta và mai sau.

    Trước hết anh phân biệt minh bạch hai sổ Địa bạĐiền bạ khác nhau như thế nào: Địa bạ là sổ mô tả và ghi nhận quyền sở hữu từng mảnh ruộng đất, còn Điền bạ chỉ là sổ tính thuế. Địa bạ làm một lần khi đo đạc, Điền bạ thì mỗi năm làm một lần. Diện tích ruộng đất ghi theo mẫu sào thước tấc. Nhà Nguyễn đã lấy lại thước đo ruông (điền xích) của triều Lê làm chuẩn. Từ năm 1978, anh đã công bố những biểu định chuẩn đo đong đếm của ta xưa với sự chuyển đổi theo hệ thống mét (trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế học, Hà Nội), ngõ hầu làm cơ sở định lượng cho việc nghiên cứu Địa bạ và, nói chung, cho những gì có liên quan ở thời đại mà hệ thống mét chưa được sử dụng. Đến nay, hầu như các nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước đều chấp nhận những biểu đó.

    Công cuộc đạc điền và lập Địa bạ cho toàn thể 18000 xã thôn phải làm suốt 31 năm, từ năm 1805 đến 1836, mới hoàn thành. Nếu xếp đứng các sổ Địa bạ chặt nhau, thì phải để trên ngăn kệ dài tới 100 mét. Nếu trải dài từng tờ sát nhau thì toàn bộ sưu tập dài gần 300 km. Sau khi được trang bị khá đầy đủ những kiến thức cơ bản về lịch sử và địa lý Việt Nam xưa, con mọt sách Nguyễn Đình Đầu đáng thương đã bò được trên 200 km, tức đã từ Hà Tiên ra tới Thăng Long rồi. Những thành quả của công trình nghiên cứu đồ sộ này là rất đáng kể, cả về lượng lẫn chất: một bộ sách Nghiên cứu Địa bạ - từng tỉnh một – dày trên 1 vạn trang sẽ được xuất bản, và một số vấn đề quan trọng liên hện tới toàn xã hội Việt Nam truyền thống sẽ được nêu lên và lý giải. Qua số liệu chắc chắn và cụ thể của Địa bạ, người ta biết được nhiều điều bổ ích:

    – Có thể vẽ lại bức sơ đồ về cơ cấu sử dụng đất đai, trên toàn quốc cũng như mỗi địa phương. Có thể tính được tỷ lệ giữa diện tích canh tác với diện tích cư trú và mộ địa (người xưa rất trọng nghĩa trang và nơi cư trú để an cư lạc nghiệp). Sẽ thấy rõ địa bàn hai huyện Thọ Xương và Vĩnh thuận thuộc phủ Hoài Đức (Hà Nội) cũng như hai huyện Bình Dương và Tân Long thuộc phủ Tân Bình (Gia Định) đã có mức độ đô thị hóa khá cao, vì ở đây có nhiều phố thị và dân cư thổ hơn là ruộng đất canh tác.

    – Các diện tích của cơ cấu cây trồng sẽ cho ta biết mức sống và nếp sống của dân ta xưa: ruộng lúa (có thể tính bình quân đầu người) nhiều hơn đất trồng. Ta sẽ thấy trên các bãi phù sa vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều vườn cau bạt ngàn. Trên địa bàn Hóc Môn có 18 thôn vườn trầu. Ở Hà Tiên có nhiều vườn tiêu.

    – Cơ cấu sở hữu ruộng đất xưa có lẽ là phần mà tác giả đã dành nhiều công sức để mô tả và phân tích bằng các bảng thống kê chi tiết. Các hình thức sở hữu gồm có:

    Quan điền quan thổ là những loại ruộng đất thuộc sở hữu Nhà nước và do quan chức quản lý, như tịch điền, quan xá thổ, quân trại thổ, quan trại điền, quan đồn điền, quan tiêu viên … Đối với những loại ruộng đất đó, quan chức quản lý theo những quy chế mà triều đình đã định riêng cho mỗi loại. Tựu trung về mặt sử dụng, thường chia làm hai phần: phần công dụng như quan xá thổ và phần dân dụng như quan trại điền. Phần công dụng thì phải đóng thuế, thuế này cao hơn thuế các loại công điền công thổ hay tư điền tư thổ.

    Công điền công thổ là những loại ruộng đất thuộc sở hữu Nhà nước và để cho xã thôn quản lý theo quy định của triều đình như cách chia ra khẩu phần và thời gian phân chia lại. Một phần công điền ưu tiên dành cho người trong làng phải đi lính, gọi là lương điền. Ở Đàng Ngoài, thuế đánh trên người sử dụng công điền công thổ cao hơn thuế tư điền tư thổ. Từ giữa thề kỳ 19, thuế công tư điền thổ như nhau. Trong thời gian lập Địa bạ, các tỉnh Nam Kỳ có khoảng trên 8% công điền công thổ, các tỉnh miền Trung có khoảng 35% công điền công thổ, các tỉnh miền Bắc có khoảng 30% công điền công thổ. Người xưa muốn lấy công điền để chế ngự tư điền, muốn cho ai cũng có ruộng cày cấy, để khỏi làm lưu dân xiêu bạt. Vô hình dung thế là ngăn chặc nền sản xuất hàng hóa và nền kinh tế thị trường.

    Tư điền tư thổ là những loại ruộng đất thuộc quyền sở hữu và sử dụng của tư nhân. Trong Địa bạ, mỗi sở ruộng đất đều ghi rõ diện tích bao nhiêu, tứ cận thế nào, sử dụng vào việc gì, trồng lúa hay thứ cây nào, thuộc quyền sở hữu của ai, tên gì (người trong xã gọi là phân canh, người ngoài xã gọi là phụ canh). Mỗi mục ghi như vậy được coi như một “bằng khoán” chứng minh quyền sở hữu. Trong 16000 quyển Địa bạ đã ghi ít nhất 1 triệu tên sở hữu chủ (chỉ những xã thôn nào có toàn công điền công thổ mới không có sở hữu chủ). Mỗi chúng ta ngày nay, nếu truy cứu kỹ Địa bạ, thế nào cũng thấy tên các cụ cao tằng tổ của mình. Về phương diện gia phả học, Địa bạ cũng là một kho tư liệu vô cùng quý giá. Qua nghiên cứu Địa bạ, chúng ta cũng thấy nam nữ bình quyền trên sở hữu ruộng đất: mỗi khi cha mẹ chia sản nghiệp cho con, bao giờ cũng chia đồng đều cho cả nam lẫn nữ, chia đều đến từng phân ruộng đất, chỉ trừ một sở làm ruộng hương hỏa để cho con trưởng. Trung bình, phụ nữ làm chủ khoảng 20% - 30% tư điền tư thổ. Đó là một tỷ lệ rất cao đối với cả thế giới vào thời đó, thời của trọng nam khinh nữ.

    Nói chung, tỷ lệ sở hữu ruộng đất rất cách biệt nhau: người có 1 hay 2 thước đất (mỗi thước đất là nền một nhà chòi) bên cạnh những người có hàng trăm hàng ngàn mẫu ruộng, đúng là thẳng cánh cò bay. Tỷ lệ cách biệt nhau xa nhất là ỡ Nam Kỳ lục tỉnh. Chế độ công điền nhằm mục đích san bằng phần nào sự cách biệt đó. Nhờ có khối lượng lớn, chế độ công điền ở miền Trung đã bình quân hóa việc sử dụng ruộng đất rất hữu hiệu.

    Những ruộng đất do tập thể làm chủ như ruộng nhà chùa, ruộng gia tộc, ruộng hàng giáp, bản xã điền (trong Nam họi bổn thôn điền) … đều là hạng tư điền, vì không thuộc sở hữu Nhà nước. Ngoài Bắc có nhiều ruộng đất thuộc tập thể, đó là bản xã điền, yến lão điền, cô quả điền, tư văn điền, đồng môn điền, v.v… Trong Nam có ít bổn thôn điền, song nhiều chùa có hàng trăm mẫu ruộng để “tự tăng đồng canh”.

    Cho đến nay, một số học giả thường suy diễn: tầng lớp quan lại và tổng lý là những kẻ chiếm hữu ruộng đất nhiều nhất. Qua nghiên cứu Địa bạ, tác giả đã đính chính lại dư luận sai nhầm đó bằng những bảng thống kê chi tiết từng tên quan lại và tổng lý với số ruộng đất sở hữu của họ. Thống kê cho biết: riêng huyện Bình Dương (nay là địa bàn TP.HCM) có 368 quan lại và tổng lý, thì 272 người (gần 74%) không có đất cắm dùi, 86 người có từ 1 sào đến dưới 10 mẫu, chỉ có 9 người có trên 10 mẫu, người có nhiều nhất là thôn trưởng Trần Văn Đạo ở Bình Khánh (Cần Giờ, TP. HCM) có trên 61 mẫu. Lê Văn Duyệt có trên 50 mẫu, nhưng sau khi chết và bị xử án thì bị tịch thu và chuyển vào hạng công điền cho dân làng chia nhau canh tác. Trong khi đó, con số phú nông rất đông đúc, nhiều người có hàng trăm mẫu ruộng, thậm chí một số đại điền chủ có trên cả nghìn mẫu ruộng. Sử đã kết tội những tên “cường hào ác bá chiếm công vi tư, cậy mạnh bá chiếm” ruộng đất của bà con, song đó là những tên không ra mặt làm tổng lý mà chỉ ẩn nấp trong các hội đồng kỳ mục hay ban hội tề. Tổng lý thường là con cháu hay tay sai của họ. Tóm lại, qua nghiên cứu Địa bạ, xã hội truyền thống Việt Nam xưa vẫn hành xử theo bậc thang giá trị Sĩ, Nông, Công, Thương.

    Có thể nói nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã phát hiện ra trong sưu tập Địa bạ toàn quốc chỉ riêng có Bình Định được làm Địa bạ hai lần: lần thứ nhất vào năm 1815, lần thứ hai vào năm 1839. Ngoại trừ trường hợp Nam Kỳ là đất mới khai khẩn, Minh Mạng và triều đình Huế thấy không đâu có ít công điền như ờ Bình Định (6 – 7000 mẫu công điền, trên 70000 mẫu tư điền), nên đã quyết định làm việc quân điền, nghĩa là cắt một nửa tư điền cho vào công điền, sau một thời gian do dự và bàn bạc khá lâu. Năm 1839, Minh Mạng phái Võ Xuân Cẩn vào Bình Định thi hành phép Quân điền. Trước hết, Cẩn dùng cách thuyết phục điền chủ rồi mới làm lại sổ Địa bạ. Sưu tập Địa bạ trấn Bình Định năm 1815 và tỉnh Bình Định năm 1939 còn lưu lại giúp ta hiểu được một kinh nghiệm “cải cách ruộng đất” rất triệt để và duy nhất trong lịch sử Việt Nam.

    Nhân đây, tôi cũng đề nghị chúng ta hãy đánh giá đúng mức các công trình tập hợp và trước tác trên quy mô lớn những tác phẩm về sử học, văn học của nhà Nguyễn, đó là những công trình rất đồ sộ so với các triều đại trước. Chúng ta cũng nên ghi công các “nhà khoa học” vô danh, từ đạc điền quan đến nho sĩ tả bạ, đã vắt óc và đổ mồ hôi trên từng mảnh ruộng đất ở khắp miền đất nước, để thực hiện được bộ sưu tập Địa bạ vô cùng quý giá này cho dân tộc ta.

    Với tầm nhìn khái quát và sâu sắc qua nhiều nghiên cứu Địa bạ, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã làm nổi bật những nét chính yếu của chế độ sở hữu ruộng đất nói riêng và của nền hành chính nói chung. Như các chính sách: quân cấp công điền cho người thiếu ruộng, ngụ binh ư nông, cấm quan chức tậu ruộng ở nơi trị nhậm, thuế khóa biệt đãi dân cư thổ và nghĩa trang, v.v… Chế độ sở hữu ruộng đất, được chia ra 3 quyền: a) Quyền sở hữu tối thượng của nhà vua (tức Nhà nước); b) Quyền sở hữu tư nhân và tập thể; c) Quyền sử dụng (trong thời gian nhất định và không được mua đi bán lại). Nhà nước xưa luôn khuyến điền, và còn lập ra các dinh điền, đồn điền và trang trại (khi ấy quen gọi là quan điền). Sau khi thành tựu, Nhà nước đem quan điền chia cho dân có công khai phá làm tư điền và giữ lại một phần làm công điền. Nhà nước quan tâm đến hoạt động chính trị, cai trị, quốc phòng và thu thuế, còn kinh tế thì để dân làm.
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
    Phải chăng tất cả những chính sách trên cùng với dẫn chứng Địa bạ sẽ cho ta thấy đạo lý và tư tưởng truyền thống Việt Nam đã được pháp chế hóa và cụ thể hóa thế nào trong đời sống nhân dân ta. Tư tưởng yêu đất nước quê hương, hiếu thảo trong gia đình, thương đồng bào ruột thịt đã được biện minh hùng hồn qua những phần mô tả, thống kê, phân tích Địa bạ.

    Đê đánh giá công trình Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn, tôi xin nhắc lại lời của sử gia Phan Huy Lê: “Anh Nguyễn Đình Đầu là người đi đầu trong việc khai thác kho tư liệu (Địa bạ) cực kỳ phong phú này… Kế quả nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã đặt lại một số vấn đề buộc các nhà khoa học phải kiểm tra lại nhận thức cũ của mình”. Thật vậy, công trình này sẽ khỏa lấp được một phần, phần đặc biệt quan trọng trong sự tìm hiểu đất nước và dân tốc Việt Nam. Có lẽ đây là một trong những công trình lớn nhất về khoa học lịch sử ở cuối thế kỷ 20 của chúng ta.

    Vậy, tôi xin trân trọng giới thiệu với các học giả, các bạn đọc, công trình Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu. Tôi hy vọng công trình sẽ được đón nhận một cách thiện cảm. Tôi cũng mong rằng các Hội – Viện chuyên khoa và các cơ quan chức năng – chủ yếu là Tổng cục Địa chính và Cục Lưu trữ Quốc gia – sẽ giúp đỡ hơn nữa, để công trình được mau chóng hoàn thành. Với anh bạn già, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu luôn kiên gan bền chí với sử học và có một tấm lòng nặng tình quê hương, mà chúng tôi thường gọi vui là “Tả Ao của thành phố” và nay là “Tả Ao của Việt Nam”. Tôi cầu chúc anh luôn giữ được sức khỏe và tinh thần minh mẫn để hoàn thành công trình – có thể nói trọng đại này – trước năm 2000.


    Đây là bộ sách quý hiếm, có thể mọi người đã được nghe nhiều về nó, ...
    Xin trân trọng giới thiệu! ... (File .pdf)
    - Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Địa bạ An Giang; Link Tại đây!
    - Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Địa bạ Hà Tiên; Link Tại đây!
    - Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Địa bạ Tiền Giang + Đồng Tháp + Long An; Link Tại đây!
    - Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Địa bạ Vĩnh Long; Link Tại đây!
    - Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Địa bạ Gia Định; Link Tại đây!
    - Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Địa bạ Biên Hòa; Link Tại đây!
    - Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Tổng kết Địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh; Link Tại đây!
    - Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Địa bạ Khánh Hòa; Link Tại đây!
    - Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn - Địa bạ Bình Định; Link Tại đây!
     

    Zalo/Viber: 0944625325 | buihuuhanh@gmail.com

Share This Page