Nhật Bản Và Việt Nam-Phong Trào Văn Minh Hóa (NXB Giáo Dục 2012) - Nguyễn Tiến Lực, 321 Trang

Discussion in 'Nghiên Cứu Nhật Bản' started by quanh.bv, Aug 15, 2015.

  1. quanh.bv

    quanh.bv Hỗ Trợ Diễn Đàn Staff Member Quản Trị Viên

    upload_2022-10-18_18-58-56.png
    “Văn minh hoá” là khái niệm dùng để chỉ sự biến đổi to lớn về nhiều mặt trong đời sống xã hội ở các nước châu Á do sự thâm nhập – tiếp nhận văn minh phương Tây từ nửa cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX. Từ nửa sau thế kỉ XIX, Việt Nam và Nhật Bản tiến bước theo những con đường khác nhau. Nhờ thực hiện Minh Trị Duy tân, Nhật Bản đã hiện đại hoá, văn minh hoá thành công, xây dựng đất nước “phú quốc cường binh”. Trong khi đó, Việt Nam trước nguy cơ bị Pháp xâm lược vẫn tiếp tục thực hiện chính sách đóng cửa, để cuối cùng bị thất bại trong cuộc đối đầu chống thực dân Pháp và biến thành thuộc địa của chúng.
    Về phía Nhật Bản, Chính phủ Minh Trị đã tiến hành văn minh hoá qua một loạt các chính sách như “phú quốc cường binh”, “thực sản hưng nghiệp”, “thoát Á nhập Âu”... và chủ trương học tập văn minh phương Tây từ văn minh vật chất đến văn minh tinh thần, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt xã hội Nhật Bản vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
    Ở Việt Nam, người Pháp thực hiện chính sách “khai hoá” đối với thuộc địa ở Đông Dương nhằm đồng hoá Việt Nam. Để đấu tranh với thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, giới trí thức Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc vận động phong trào yêu nước chống Pháp, trong đó có phong trào Duy tân, Đông kinh nghĩa thục. Các nhà lãnh đạo của các phong trào này đã xem Nhật Bản là một tấm gương về “Văn minh hoá”, chủ trương học tập các nền văn minh tiên tiến của Nhật Bản để xây dựng đất nước.
    Có thể thấy “Văn minh hoá” là một hiện tượng lớn ở các nước Đông Á vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, có ảnh hưởng quan trọng đến con đường phát triển của các nước trong khu vực này. Do đó, việc nghiên cứu, làm sáng tỏ nội dung của “Văn minh hoá”, so sánh “Văn minh hoá” ở Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Á khác, đề xuất những bài học hữu ích cho tiến trình hiện đại hoá ở Việt Nam là một việc làm có ý nghĩa về lí luận và thực tiễn. Trên tinh thần đó, tháng 12 – 2011, được sự tài trợ của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo quốc tế : “So sánh Văn minh hoá ở Việt Nam và Nhật Bản cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX”.
    Hội thảo đã quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Waseda, Đại học Hosei, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Đại học Hiroshima, Đại học Công nghệ Fukuoka, Đại học Điều dưỡng Niigata (Nhật Bản), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá), Đại học Vinh, Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế, Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Đại học Quy Nhơn, Đại học Phan Thiết, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
    Các báo cáo của Hội thảo tập trung nghiên cứu và trao đổi về hai chủ đề chính: thứ nhất là Những vấn đề lí luận về “Văn minh hoá” và “ Văn minh hoá” ở Nhật Bản, Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX; và thứ hai là So sánh “Văn minh hoá” giữa Việt Nam và Nhật Bản vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
    Nhiều báo cáo tham gia Hội thảo đã làm sáng tỏ khái niệm “bunmeikaika” (văn minh khai hoá) trong tiếng Nhật, theo cách hiểu của người Nhật, những vấn đề về tư tưởng “Văn minh hoá” của giới trí thức khai sáng Nhật Bản, tiến trình “Văn minh hoá” ở Nhật và những hạn chế của nó. Các nhà nghiên cứu có nhận thức chung là không tách rời những thành tựu “Văn minh hoá” Nhật Bản ra khỏi di sản thời Edo, nói cách khác, chính thời Edo đã tạo ra được những nền tảng cơ bản để tiếp nhận những thành tựu của văn minh Âu – Mĩ để “Văn minh hoá” Nhật Bản. Điều đáng lưu ý là trong lúc các nhà nghiên cứu Việt Nam có khuynh hướng đánh giá cao “Văn minh hoá” ở Nhật Bản, thì các nhà nghiên cứu Nhật Bản trong khi nêu lên những thành quả của “Văn minh hoá” lại chú ý phân tích những điểm hạn chế của phong trào này.
    Nhiều báo cáo so sánh những nét giống và khác nhau trong quan niệm và quá trình thực hiện “Văn minh hoá” ở Nhật và Việt Nam. Qua sự so sánh đó, các tác giả chỉ ra rằng nền tảng cho sự tiếp nhận văn minh Âu – Mĩ của Nhật Bản có nhiều điểm khác với Việt Nam và các nước châu Á khác. Đây có lẽ là điểm khác nhau căn bản, dẫn tới phong trào văn minh khai hoá của Nhật Bản thành công còn ở các nước châu Á khác thì không thành công. Nhiều bài viết chỉ ra nhiều bài học cho Việt Nam trong quá trình văn minh hoá, hiện đại hoá đất nước ta hiện nay qua nghiên cứu văn minh khai hoá ở Nhật Bản cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, các báo cáo đã đem đến cho chúng ta một cách nhìn toàn diện, đa dạng hơn về những vấn đề xung quanh “Văn minh hoá” và tiến trình “Văn minh hoá” ở Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Á khác. Các báo cáo còn gợi mở ra nhiều vấn đề mới xung quanh vấn đề “Văn minh hoá” cần được tiếp tục nghiên cứu rộng hơn và sâu hơn. Sau Hội thảo, Bộ môn Nhật Bản học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lựa chọn, dịch thuật, biên tập để hình thành một cuốn sách có tựa đề Nhật Bản và Việt Nam: Phong trào “Văn minh hoá” cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
    Trong khuôn khổ cuốn sách này, chúng tôi chỉ tuyển chọn một số bài có đề cập sâu và trực tiếp về các vấn đề của “Văn minh hoá”, tiến trình “Văn minh hoá” ở Nhật Bản, Việt Nam và so sánh về quan niệm và tiến trình “Văn minh hoá” giữa hai nước. Các bài còn lại, tuy được nghiên cứu rất công phu và có nhiều kiến giải mới nhưng không thật liên quan trực tiếp đến chủ đề cuốn sách, xin được để lại và sử dụng vào dịp khác. Nhân dịp này, thay mặt Bộ môn Nhật Bản học, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến cơ quan tài trợ: Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản; cơ quan giúp đỡ: Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh; cơ quan cấp phép: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, giúp đỡ chúng tôi tổ chức thành công hội thảo và xuất bản cuốn sách này.
    • Nhật Bản Và Việt Nam-Phong Trào Văn Minh Hóa Cuối Thế Kỷ XIX, Đầu Thế Kỷ XX
    • NXB Giáo Dục 2012
    • Nguyễn Tiến Lực
    • 321 Trang
    • File PDF-SCAN
    Link download
    https://drive.google.com/file/d/19sSslIj_5sX7CxrT5Zr6IMqIODo3ILWn
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
     

    Zalo/Viber: 0944625325 | buihuuhanh@gmail.com

    Last edited by a moderator: Oct 18, 2022

Share This Page