Rủi ro thanh khoản và công tác quản lý thanh khoản đã trở thành tâm điểm của công chúng trong cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn của Mỹ, khi mà sự can thiệp của nhà nước trên quy mô lớn chưa từng có là điều cần thiết để tránh sự sụp đổ của hệ thống tài chính. Phản ứng đó có thể hiểu được nếu căn cứ vào những tác động gay gắt khi bị mất kiểm soát. Và việc mất kiểm soát đó dường như hiện diện trong nhiều trường hợp, với những tên tuổi nổi tiếng ở nhiều nước như: Bear Stearns, Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers, Fortis, Kaupthing, Northern Rock, Ngân hàng Hoàng gia Scotland, UBS, Hypo Real Estate hoặc IKB, v.v. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là công việc này dường như ít được biết đến hoặc ít được áp dụng trong ngành ngân hàng khi đối mặt với rủi ro thanh khoản. Chúng tôi không nói nhiều đến việc xử lý khủng hoảng mà chủ yếu đề cập đến những thiếu sót trong công tác chuẩn bị để duy trì loại rủi ro này trong phạm vi có thể quản lý được. Rốt cuộc, bên cạnh rủi ro giảm giá, đây chính là yếu tố rủi ro quan trọng nhất trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng thanh toán. Vậy tại sao ngành ngân hàng lại bị ảnh hưởng nặng nề đến vậy - thực ra còn nghiêm trọng hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng thanh khoản nào trong 50 năm qua nếu xét trên phạm vi toàn cầu? Rõ ràng, đây không phải do thiếu kiến thức tổng quát về đề tài này, cũng không phải do không chú ý đến nguyên nhân của nó trên quy mô lớn. Căn cứ vào các quy tắc và quy định được thống nhất bởi các thành viên của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các nhà giám sát quốc gia đã đưa những nguyên tắc này vào luật pháp quốc gia, không phải áp dụng rập khuôn mà giữ lại nội dung cốt lõi đồng thời điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa phương. Vào thời điểm chuyển giao Thiên niên kỷ vào năm 2000, Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng đã ban hành các nguyên tắc đối với “Những phương pháp thực hành hoàn chỉnh về quản lý thanh khoản trong hoạt động ngân hàng”. Kể từ đó, nhiều đề xuất chi tiết hơn đã được đưa ra. Nhờ vậy, ngành ngân hàng có thời gian để tự làm quen với đề tài này và đưa vào hành động cụ thể. Theo đánh giá của cá nhân của tôi, phần lớn tác động đó có liên quan đến việc không đọc được phần “chữ in nhỏ” (small print) trong hợp đồng. Tính thanh khoản là một chủ đề rất phức tạp và rủi ro thanh khoản có nhiều dạng. Quyết định của ban quản trị về các chính sách kinh doanh như tăng trưởng năng động nội bộ hoặc một hợp đồng mua lại doanh nghiệp lớn có thể làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc thanh khoản của một ngân hàng. Các thiệt hại đáng kể sẽ tác động đến tỷ suất vốn và vì thế ảnh hưởng đến tình trạng tài chính của một ngân hàng, từ đó có thể ảnh hưởng đến động thái của người cho vay và đến khả năng cấp vốn. Hoặc các thị trường cấp vốn (funding markets) này có thể trở nên ít lưu động, do vậy sẽ làm giảm hoặc xóa bỏ việc cho vay ở mức chênh lệch lãi và khối lượng thông thường, và các tác động có thể xảy ra mặc cho cấu trúc thanh khoản hay tình hình tài chính của tổ chức vẫn không thay đổi. Bất kỳ nhà quản trị ngân hàng thận trọng nào hẳn sẽ phải dự phòng cho các sự kiện như vậy bằng cách thiết lập các khoản dự phòng thanh khoản dưới hình thức tài sản khả thương (tradable assets). Tuy nhiên, mức độ thanh khoản của những tài sản lưu động này như thế nào khi chúng phải thực hiện nhiệm vụ của mình? Câu trả lời cho mỗi câu hỏi đã được tìm thấy thông qua phương pháp quản lý thanh khoản hiện đại và phần định lượng thông qua các phép đo tương ứng Đối với ban giám đốc ngân hàng có trách nhiệm đảm bảo và tăng cường cam kết với các cổ đông và những người có quyền lợi liên quan, việc duy trì khả năng thanh khoản không thể được xem là một mục tiêu riêng biệt. Nó phải được đưa vào công thức cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và mục tiêu tài chính khác vì còn nhiều yếu tố có thể đe dọa đến khả năng thanh khoản. Khi xét đến mục tiêu tài chính, kỳ vọng của ban giám đốc ngân hàng đều vượt quá mục tiêu chủ yếu của công tác quản lý thanh khoản, nghĩa là: đảm bảo rằng tất cả các khoản nợ được trả khi đến hạn. Nếu xét mục tiêu tài chính này trong trường hợp cực đoan, nó còn bao gồm việc phải chi trả các khoản nợ cho đến khi giao dịch cuối cùng không còn trên sổ sách nữa, khi đó ngân hàng chỉ còn lại một bộ xương khô và không còn khách hàng nào cả. Do đó, việc sống sót qua một cuộc khủng hoảng đồng nghĩa với việc duy trì được cốt lõi của hoạt động kinh doanh và khách hàng, tức là thương hiệu vẫn được giữ nguyên vẹn. Việc định nghĩa thanh khoản và xác định mức độ cũng như thời hạn bảo hộ là các đặc quyền của ban giám đốc ngân hàng. Tuy nhiên, khi xem xét ý nghĩa cấp cao của thanh khoản cũng như các trách nhiệm tương ứng của các nhà quản lý, ta không nên bắt đầu bằng các từ ngữ chuyên môn. Những gì cần thiết chính là phải áp dụng một phương pháp tiếp cận từ trên xuống. Xuất phát từ các mục tiêu kinh doanh và tài chính được đưa ra, chúng tôi sẽ xây dựng nên một khuôn khổ chính sách cho tính thanh khoản trên cơ sở những khía cạnh cụ thể nào trong công tác đo lường và quản lý tính thanh khoản sẽ được đánh giá. Việc tuân theo phương pháp này sẽ cho phép chúng tôi đưa chủ đề này vào khuôn khổ toàn diện cho việc ra quyết định để áp dụng cho công tác quản lý ngân hàng. Cách tiếp cận này dựa trên kinh nghiệm thực tế được đưa vào khái niệm, và được hiểu rằng, nếu không làm việc theo khuôn khổ khái niệm thì không thể tránh được hội chứng “chữ in nhỏ”. Chúng tôi bắt đầu Chương I bằng cách định nghĩa tính thanh khoản, rủi ro thanh khoản và mối quan hệ của nó với khả năng thanh toán. Chương này có vai trò như phần giới thiệu các nội dung cơ bản và ở phần cuối sẽ liệt kê ra các nguyên tắc cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng - thứ sẽ được áp dụng cho mọi kế hoạch thanh khoản có khả năng thành công. Do các khía cạnh chính sách của tính thanh khoản có liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng đã không được chú ý mãi cho tới gần dây, Chương 2 sẽ đánh giá các khái niệm truyền thống bao gồm các kế hoạch được áp dụng trong tài chính doanh nghiệp. Xét trong phạm vi sự khác biệt về độ phức tạp giữa các “doanh nghiệp” (tức các công ty phi tài chính) và các ngân hàng, các yếu tố quyết định chính về mặt tài chính đối với các ngân hàng sẽ được đánh giá bằng một kỹ thuật được thiết kế riêng để đối phó với các cấu trúc phức tạp. Sau đó, các yếu tố quyết định chính này sẽ được hợp nhất vào một khuôn khổ khái niệm ở Chương 3. Hai yếu tố rủi ro tài chính chi phối ngành ngân hàng - thua lỗ và tính thanh khoản - sẽ được phân tích và khả năng áp dụng các phương pháp đánh giá rủi ro giảm giá được chấp nhận rộng rãi vào thanh khoản cũng sẽ được xem xét. Chương này kết thúc bằng một cơ cấu khái niệm tập hợp tất cả các điểm có liên quan đề cập đến chính sách thanh khoản trong ngân hàng. Sau đó, chúng tôi sẽ xây dựng các yếu tố của chính sách thanh khoản trong Chương 4, bao gồm việc hoạch định khẩn cấp và đảm bảo quyền kinh doanh của một ngân hàng. Do sự đa dạng đáng kể về quy mô, cơ cấu, sự phức tạp và môi trường trong ngành ngân hàng, chúng tôi tránh không đưa ra những đề xuất thống nhất. Thay vào đó, bất cứ khi nào có thể, chúng tôi sẽ đưa ra các phương án thay thế, thảo luận ưu và khuyết điểm của những phương án đó, đồng thời đưa ra những đề xuất mang tính cá nhân nếu có thể áp dụng được. Hai chương sau sẽ đề cập đến các khía cạnh trong quản lý thanh khoản bắt nguồn từ những kết luận được rút ra khi thảo luận về các yếu tố chính sách. Chủ đề này được chia thành hai phần: một phần mang tính định lượng và một phần mang tính định tính nhiều hơn. Chương 5 nói về phần định tính. Với mục đích trình bày những yếu tố chủ chốt trong giới hạn trạng thái thanh khoản dưới hình thức tập hợp cấp cao, chúng tôi sẽ giới thiệu công cụ của bảng cân đối thanh khoản. Các yếu tố như nhượng quyền (franchise), các khoản dự phòng an toàn, tài sản đang chịu rủi ro, tài trợ ổn định và không ổn định, tất cả sẽ được định nghĩa và sự tương tác cũng như mối liên quan của chúng đến quản lý thanh khoản sẽ được thảo luận, kèm theo đó là những đề xuất cụ thể đối với chính sách dưới hình thức phản hồi. Chương 6 bàn về các khía cạnh mang tính định lượng. Các phương pháp toán học mới được đề xuất cho công tác quản lý rủi ro thanh khoản sẽ được trình bày và giá trị của chúng sẽ được đánh giá. Để xác định quy mô cũng như cấu trúc của các khoản dự phòng, chúng tôi sẽ đề xuất phương pháp tiếp cận của riêng mình. Chương này kết thúc bằng các khía cạnh liên quan đến giới hạn và hai khái niệm đề cập đến việc định giá chuyển nhượng. Trong Chương 7, việc giải quyết các cuộc khủng hoảng sẽ được phân tích dưới quan điểm của người trong cuộc. Mặc dù không tránh khỏi phải đối mặt với một vài tình huống căng thẳng trong vai trò của nhân viên quản lý nguồn vốn, tác giả đã lựa chọn cả sự kiện kinh hoàng (ngày 11/9) và một loại bệnh mãn tính (tình trạng căng thẳng liên quan đến tên gọi vào cuối năm 2002). Các hoat động chuẩn bị nhằm chống lại những sự kiện như vậy cũng như việc thực sự đối đầu với chúng được phác họa một cách thực tế như trong trường hợp của Commerzbank. Ngoài ra, chúng tôi sẽ bổ sung phần đánh giá sơ bộ về cuộc khủng hoảng dưới chuẩn này. Chương này kết thúc bằng những đề nghị tổng quát được rút ra từ trải nghiệm thực tế. Chương cuối cùng có cái nhìn bao quát hơn và mở rộng đến các giám sát viên và vai trò của họ đối với việc kiểm soát rủi ro thanh khoản. Những vấn đề được nêu sẽ chỉ ra nhận thức của họ về các ngân hàng và tính ổn định của hệ thống tài chính cũng như các khái niệm được áp dụng. Tiếp sau đó là phần đánh giá khả năng cũng như mức độ mà hoạt động giám sát có thể hoặc được cho là có thể đảm bảo các mục tiêu mà ban giám đốc ngân hàng đã đề ra. Quản Lý Thanh Khoản Trong Ngân Hàng NXB Tổng Hợp 2010 Rudolf Duttweiler 505 Trang File PDF-SCAN Link download https://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/633 https://drive.google.com/file/d/1JChD0PE2f9n_gKLBsDFChfdXJ_9AcJ6qhttps://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1