Thi Hương Thời Nguyễn (NXB Đại Học Quốc Gia 2016) - Đỗ Thị Hương Thảo, 410 Trang

Discussion in 'Lịch Sử Học' started by Bryanedaw, Jul 10, 2021.

  1. Bryanedaw

    Bryanedaw Member

    [​IMG]
    Giáo dục khoa cử Việt Nam thời Trung đại là phương thức tuyển lựa nhân sự, nhân tài cho bộ máy chính quyền và cũng là một trong những cách thức để kẻ sỹ có thể tham gia vào chốn quan trường. Trong khoa cử truyền thống, khoa thi chính yếu và quan trọng là khoa thi Tiến sỹ gồm 3 cấp: Thi Hương, thi Hội, thi Đình. Trong 3 cấp thi này, thi Hương là kỳ thi đầu tiên, tổ chức ở địa phương, chọn ra những người có năng lực lên kinh đô vào thi Hội, thi Đình. Trong bối cảnh đã có nhiều công trình xuất bản về thi Hội và thi Đình, thì cuốn sách “Thi Hương thời Nguyễn (qua hai trường thi Hà Nội và Nam Định) của TS. Đỗ Thị Hương Thảo góp vào việc nhận diện thi cử Nho học một cách cơ bản, toàn diện và hệ thống hơn bắt đầu với kỳ thi đầu tiên - thi Hương.
    Cuốn sách được cấu trúc thành 4 chương theo lô gích chặt chẽ, trong đó chương 1 cung cấp một cái nhìn tổng quan về thi Hương thời Nguyễn làm cơ sở đi sâu vào các nội dung quan trọng nhất là các trường thi Hương ở Thăng Long - Hà Nội (chương 2), ở Nam Định (chương 3). Lịch sử hình thành, biến đổi và hoạt động của mỗi trường thi được trình bày chi tiết, cụ thể nhằm tái hiện bức tranh thi Hương khu vực châu thổ sông Hồng… Bạn đọc sẽ thấy trong hai chương này những phân tích cụ thể về nội dung thi Hương, cách thức chấm thi, cách thức tuyển lựa quan trường, tỷ lệ đỗ Cử nhân theo độ tuổi, quê quán và việc bổ nhiệm những người đỗ đạt… Chương 4 với tiêu đề “Một số đặc điểm thi Hương thời Nguyễn”, tác giả đưa ra nhiều nhận xét khách quan, đáng tin cậy và có nhiều điểm lý thú về thi Hương của triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam và mối quan hệ của khoa cử với các vấn đề văn hóa, chính trị, xã hội.
    Ngoài việc đi sâu tìm hiểu quy trình, cách thức của các kỳ thi Hương, tác giả cuốn sách đã nhìn ra những chính sách giáo dục của các vua triều Nguyễn, nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc của bộ máy nhà nước trải dài từ Bắc tới Nam. Điểm đáng lưu ý là trên cơ sở phân tích các số liệu về sĩ tử dự thi, về số người đỗ Hương cống/ Cử nhân của 2 trường thi Hương Hà Nội và Nam Định, cuốn sách cho bạn đọc một nhận thức mới về truyền thống khoa cử của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Có thể nói, bằng những điều chỉnh trong chính sách, nhà Nguyễn đã thay đổi tương quan văn hóa, tương quan về tỷ lệ đỗ đạt giữa các vùng theo ý muốn của triều đình.
    Cuốn sách cũng cho biết từ chỗ thu hẹp số lượng người đỗ thi Hương, nhà Nguyễn đã thu hẹp cơ hội trở thành tiến sĩ và tham gia vào tầng lớp quan lại của các Cử nhân xuất thân từ miền Bắc trong bộ máy chính quyền. Thêm nữa, cuốn sách còn chỉ ra sự khác biệt về việc bổ nhiệm những người đỗ thi Hương vào bộ máy chính quyền. Nhà Nguyễn có xu hướng ưu tiên bổ nhiệm người thuộc miền Trung và Nam Bộ hơn là các Cử nhân của Đồng bằng Bắc Bộ. Cuốn sách đã trả lời được câu hỏi nghiên cứu mà chính tác giả đã đặt ra rằng: Liệu có hay không chính sách giáo dục mà rộng hơn là chính sách văn hóa vùng của triều Nguyễn?
    Với khung thời gian nghiên cứu trải dài từ khoa thi Hương đầu tiên tổ chức dưới thời vua Gia Long (năm 1807) cho đến khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức ở miền Bắc Việt Nam (năm 1915), cuốn sách cũng giúp bạn đọc thấy được những thay đổi của thi Hương triều Nguyễn trước và sau khi có sự can thiệp của chính quyền Pháp. Những luận giải trong sách cho thấy mong muốn và nỗ lực níu kéo khoa cử truyền thống của triều Nguyễn cuối cùng cũng không thắng được xu thế và thực tế vận động của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, sau khi tiếp xúc với văn minh phương Tây. Mặc dù vậy, ở khía cạnh nào đó cuốn sách cũng cho biết, cho đến những năm cuối cùng của khoa cử truyền thống, số lượng người dự thi Hương ở trường Hà Nam không hề giảm sút mà còn tăng với số lượng đáng kể, cho thấy tâm thức học để thi đỗ, ra làm quan đã trở thành truyền thống và vẫn duy trì mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam dù nền giáo dục Nho học đang đi đến hồi kết thúc. Để bạn đọc có thể khám phá và nhận diện đầy đủ hơn về giáo dục khoa cử thời Nguyễn xin trân trọng giới thiệu công trình nghiên cứu công phu, tâm huyết của Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo - Cuốn sách “Thi Hương thời Nguyễn (qua hai trường thi Hà Nội và Nam Định) do Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2016.
    • Thi Hương Thời Nguyễn
    • NXB Đại Học Quốc Gia 2016
    • Đỗ Thị Hương Thảo
    • 410 Trang
    • File PDF-SCAN
    Link download
    https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/57530
    https://drive.google.com/file/d/1VIRMPZ9EQfGrjtGvRlzpZhpZFf0kPhtv
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
     

    Zalo/Viber: 0944625325 | buihuuhanh@gmail.com

    Last edited by a moderator: Dec 19, 2022

Share This Page