Thơ Ca Dân Gian Dân Tộc Mảng (NXB Văn Hóa Dân Tộc 2011) - Nguyễn Hùng Mạnh, 509 Trang

Discussion in 'Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam' started by admin, Nov 25, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    [​IMG]
    Thuộc ngữ hệ Nam Á, người Mảng duy nhất chỉ có ở tỉnh Lai Châu, mảnh đất địa đầu Tây Bắc Việt Nam. Với hơn 3.000 người, cư trú trên địa bàn 20 bản thuộc 8 xã của hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè, người Mảng hiện là tộc người ít ỏi về số lượng nhân khẩu, suy thoái về nhiều phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đây là một trong những dân tộc bản địa đã góp phần khai phá vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Trong quá trình ấy, tổ tiên người Mảng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu trong sản xuất, chiến đấu, ứng xử với thiên nhiên và các chuẩn mực trong quan hệ xã hội… mang đậm bản sắc tộc người. Các tri thức ấy được lưu truyền qua các thế hệ bằng phương thức truyền khẩu. Một trong các kênh lưu truyền đó là thơ ca dân gian.
    Thơ ca của người Mảng là những sáng tác dân gian được diễn xướng và lưu truyền bằng lời ca tiếng hát và những câu nói có vần điệu. Nội dung thơ ca gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của con người. Nói cách khác, họ sử dụng ngôn ngữ gắn liền với âm nhạc hoặc có tính nhạc để truyền tải những nội dung tư tưởng mang tính triết lý, giáo dục hoặc tự sự. Vì vậy, thơ ca dân gian của dân tộc Mảng còn góp phần phản ánh các đặc điểm tư duy cũng như tính cách tộc người, bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ…
    Thơ ca dân gian của dân tộc Mảng luôn mang tinh thần phóng khoáng, cởi mở. Nội dung của thơ ca bao trùm trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống cá nhân và cộng đồng, được sử dụng khi lao động trên nương, quăng chài, lúc nghỉ ngơi, vui chơi, hội hè, ngày lễ tết, đám cưới, nghi lễ lên nhà mới, các buổi tối nghỉ ngơi bên bếp lửa… nhằm biểu lộ tình cảm của con người với con người, con người với thiên nhiên, vạn vật và truyền dạy cho con cháu các kinh nghiệm trong lao động sản xuất, các cung cách, chuẩn mực trong ứng xử giữa người với người, ca ngợi các nhân vật anh hùng trong chiến đấu…
    Như vậy có thể thấy được khối lượng thơ ca dân gian của dân tộc Mảng rất đồ sộ, phong phú và đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức. Tuy nhiên, thơ ca dân gian của dân tộc Mảng hiện đang bị mai một nghiêm trọng. Do bị xé nhỏ và đan xen trong các cộng đồng dân tộc khác đông đảo hơn về số lượng; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cũng có phần phát triển hơn. Cộng đồng dân tộc Mảng lâu nay hầu như đã không còn sử dụng thơ ca của dân tộc mình trong các sinh hoạt văn hóa dân gian nữa. Thay vào đó, họ sử dụng thơ ca của dân tộc Thái, dân tộc Mông… trên cả các phương diện nội dung, ngôn ngữ và phong cách diễn xướng. Qua khảo sát nhanh ở một số bản cho thấy người Mảng ở các lứa tuổi trung niên và thanh niên hầu hết đều đã quên lãng thơ ca của dân tộc mình. Hơn nữa, hồ thủy điện Sơn La sẽ chính thức tích nước vào tháng 5 tới, nhiều hạng mục mới của công trình thế kỷ này sẽ được triển khai trong vùng cư trú của người Mảng, kéo theo đó là những cộng đồng dân cư đã bị phá vỡ do phải di chuyển đến nơi ở mới sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của một vùng công nghiệp thủy điện và các dịch vụ kèm theo sẽ càng đẩy nhanh bản sắc văn hóa cùng văn học nghệ thuật dân gian của các tộc người nơi đây đến bờ vực của sự mất mát vĩnh viễn, trong đó có thơ ca dân gian của dân tộc Mảng.
    Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải bảo tồn tiến tới khôi phục khẩn cấp vốn thơ ca dân gian của người Mảng trước khi các nghệ nhân cao tuổi của dân tộc này nhắm mắt xuôi tay. Việc làm này không chỉ góp phần ngăn chặn sự suy thoái về văn hóa của một tộc người mà còn là một việc làm tri ân đối với một trong những dân tộc tiên phong đã lấy xương máu của mình để khai phá, mở mang và bảo vệ vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
    • Thơ Ca Dân Gian Dân Tộc Mảng
    • NXB Văn Hóa Dân Tộc 2011
    • Nguyễn Hùng Mạnh, Trần Hữu Sơn, Nguyễn Thị Minh Tú, Đặng Thị Oanh
    • 509 Trang
    • File PDF-SCAN
    Link Download
    http://www.thuviendienbien.gov.vn/images/stories/thoca.pdf
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
     

    Zalo/Viber: 0944625325 | buihuuhanh@gmail.com

    Last edited: Apr 3, 2018

Share This Page