Từ Điển Việt-Bồ-La (NXB Roma 1651) - Alexandre de Rhodes, 521 Trang

Discussion in 'Từ Điển Học' started by admin, Sep 11, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    [​IMG]
    Tác giả Từ điển Việt-Bồ-La là linh mục người Pháp gốc Tây Ban Nha Alexandre de Rhodes (sinh năm 1591 tại Pháp – mất năm 1660 tại Ba Tư) tu sĩ dòng Tên, nhà truyền đạo Thiên chúa tại Việt Nam. Năm 1619 Ông được cử sang Viễn Đông truyền giáo và dự định sẽ đến Nhật Bản. Nhưng do chính sách cấm đạo của Nhật vào thời bấy giờ nên Ông đến Đà Nẵng vào năm 1625. Ông sống và truyền đạo ở Việt Nam tổng cộng gần chín năm, nhiều lần sang Ma Cau và lần cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam vào năm 1645. Dựa vào tài liệu của các giáo sĩ tiền nhiệm và sự giúp đỡ của một số tín đồ người Việt, Ông hoàn thành một số công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Việt Nam, trong đó có quyển giáo lý Phép giảng tám ngày và bộ Từ điển An Nam-Bồ Đào Nha-Latin (gọi tắt là Từ điển Việt Bồ La) được nhiều người biết đến nhất.
    Các nhà nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam cho rằng Alexandre de Rhodes tuy không phải là người đầu tiên sáng chế ra chữ quốc ngữ nhưng với có công đầu trong việc điển chế chữ quốc ngữ thông qua việc biên soạn, in ấn và phát hành cuốn Từ điển Việt Bồ La. Đánh giá tài năng và công lao của Alexandre de Rhodes, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã viết: “Người có chí cả, có quyết tâm cao và tài năng xuất chúng này, sau đó không bao lâu đã có đóng góp rất lớn lao cho quá trình hoàn thiện và nâng cao hệ thống chữ Việt viết theo mẫu tự Latinh” (Đại cương lịch sử văn hoá Việt Nam tập 4-NXB Giáo dục; Hà Nội 2006).
    Lý giải vì sao cuốn từ điển được biên soạn đối chiếu ngôn ngữ Việt-Bồ, linh mục Đỗ Quang Chính (Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 – Tủ sách Ra Khơi; Sài Gòn 1972) cho biết: “Hẳn bạn đọc hiểu rõ vai trò chính trị, thương mại của Bồ Đào Nha thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII tại Ba Tây, Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản. Từ cuối thế kỷ XVI sang đầu thế kỷ XVII, tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng ở những nơi trên thế giới do các đoàn thương gia Bồ Đào Nha và giáo sĩ Tây phương. Các nhà truyền giáo dầu là người Đức, Ý, Pháp, đã đến Việt Nam, Áo Môn, Nhật Bản... vào thế kỷ XVII thì cũng phải biết tiếng Bồ Đào Nha. Đó là tiếng châu Au quan trọng hơn cả ở các miền trên đây. Tại việt Nam thời đó, nếu có người Việt nào muốn học tiếng Châu Âu, thì sự thường cũng là tiếng Bồ Đào Nha”.
    Bộ Từ điển An Nam-Bồ Đào Nha-Latin (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Rome: Sacrae Congregationis de Propaganda Fide; 1651) do Alexandre de Rhodes biên soạn dựa trên 2 cuốn Tự vựng An Nam Latin của giáo sĩ Gaspar do Amaral và Latin An Nam của giáo sĩ Antonio Barbosa, nhằm giúp cho các giáo sĩ học tiếng Việt cũng nhưng giúp các tín đồ Công giáo người Việt học tiếng Latin, được Thánh bộ truyền giáo trợ cấp 200 quan tiền và chỉ thị cho Nhà in của Thánh bộ ngừng ngay mọi việc khác để tập trung in ấn bộ sách này.
    Về thời kỳ biên soạn Từ điển Việt Bồ La, lần theo hành trình truyền giáo của các giáo sĩ Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes, trong công trình Nguồn gốc chữ Quốc ngữ (tài liệu từ Internet) Ông Huỳnh Ai Tông cho rằng: “...Thời gian từ 03/7/1645 đến 20/12/1645 là thời gian cả 3 linh mục Đắc Lộ, Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa đều có mặt tại Thần học viện Ao Môn, chắc chắn họ đã có quyết định giao cho Đắc Lộ 2 quyển tự điển của họ về nhà in Bộ Truyền giáo ở La Mã để in, cho nên ngày nay bản gốc 2 quyển từ điển trên không tìm thấy ở Ao Môn, Manilia hay Tây Ban Nha.
    Linh mục Đắc Lộ rời Ao Môn ngày 20/12/1645, và đến La Mã ngày 27/6/1649, có lẽ thời gian này Ông bắt đầu soạn quyển Từ điển An Nam-Bồ Đào Nha-Latin, nhằm mục đích để cho Linh mục truyền giáo ở Việt Nam được dễ dàng hơn. Ý ấy đã được các Hồng y chấp thuận như Ông đã ghi ở bài tựa quyển Tự điển. Vậy thời điểm Đắc Lộ soạn quyển Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum là khoảng năm 1645-1649, và ngày 5/2/1651 quyển này được linh mục F. Piccolomineus Bề Trên Cả Dòng Tên cho phép xuất bả
    n”.
    Từ điển Việt-Bồ-La được biên soạn nghiêm túc, công phu theo lối từ điển Châu Âu thời Phục hưng, dày 645 trang, là quyển từ điển quý đánh dấu sự hiện diện chính thức của chữ quốc ngữ, đối dịch khoảng 9.000 mục từ tiếng Việt với tiếng nước ngoài (Bồ Đào Nha và Latin) cùng hơn một vạn từ Việt khác được dẫn ra trong các mục có liên quan. Bài tựa sách gồm 3 phần, phần đầu đề tặng các vị Hồng y bộ truyền giáo, phần thứ hai lời nói với độc giả, phần thứ ba rất quan trọng là Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (có thể xem là quyển ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên). Phần chính văn không đánh số trang mà đánh số cột (mỗi trang có 2 cột) bắt đầu từ chữ a, kết thúc bằng chữ xư. Cấu tạo mục từ gồm: từ tiếng Việt (ghi âm bằng chữ Latin, đây là chữ Quốc ngữ ở giai đoạn đầu nên có nhiều khác biệt với chữ quốc ngữ đang sử dụng ngày nay)-giải nghĩa bằng tiếng Bồ Đào Nha (in chữ nghiêng) và tiếng Latin (in chữ đứng), các từ ngữ khó được giải thích tỉ mỉ, kèm theo những thí dụ thuyết minh. Cuối sách có 181 trang bảng tra chữ Latin xếp theo a, b, c có chua số cột để tìm nghĩa tiếng Việt.
    Cần lưu ý chữ quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La có những phụ âm đầu như b nay đọc thành v (bua=vua), d nay đọc thành nh (dè dẹ=nhè nhẹ)...; còn khá nhiều phụ âm đôi như bl (blời=trời), ml (mlát=lát), tl (tlâu=trâu)...; cách viết một số vần theo tiếng Bồ Đào Nha như ão nay viết là ong (são=song), nay viết là ông (coũ=công)...
    • Từ Điển Việt-Bồ-La
    • NXB Roma 1651
    • Alexandre de Rhodes
    • 521 Trang
    • File PDF-SCAN
    Link Download
    http://www.mediafire.com/download/hiuag6c769h75ip/
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
     

    Zalo/Viber: 0944625325 | buihuuhanh@gmail.com

    Last edited: Apr 5, 2018

Share This Page