Đôi khi trở lại một câu hỏi tưởng chừng cũ rích: “Văn học là gì?”- “Văn học là cái biết căn cứ trên hưởng thụ, nhờ HƯ VÔ mà trở thành có thể. Nó tỏa sáng từ trái tim bí hiểm của ngôn ngữ mà Meyronnis chọn để gọi tên, là “lời nói sau lời nói”. Lời nói “sau” lời nói không nói gì cả, không truyền đạt gì cả. Nó hưởng thụ và làm vậy, nó kích thích và mời gọi...”. Tôi đọc được những dòng này trong cuốn Tương lai văn học. Và, chợt vỡ lẽ rằng, sở dĩ chúng ta không có những tác phẩm như là “niềm an ủi” lớn lao của con người, là vì chúng ta không có cái gọi là “lời nói sau lời nói”. Một tác phẩm “nói” hết, năng lượng bùng nổ hết, cũng có thể gây choáng váng cho người đọc. Nhưng xong lúc đó rồi thôi, quên ngay, thậm chí không một lần trở lại. “Số phận của những cuốn sách, có thể so sánh với số phận các món sữa chua” - Frédéric Badré đã viết như thế trong cuốn Tương lai văn học. Hóa ra, không phải chỉ ở VN mà ở Pháp, và trên toàn thế giới, văn học đang ở trong “tình trạng” của nó. Tức văn học đang là một món hàng. “Biến những cuốn sách thành dạng bán chạy nhất (bestseller). Ấn bản ít lần, bán được nhiều sách tiếp cận với một loại công chúng không phải độc giả bằng một ngón đòn tấn công quảng cáo lạ thường vào chỗ hở này”-Bernard Fixoi đã “cay đắng” nói như vậy (theo lời dẫn của tác giả Tương lai văn học). Các nhà văn nổi tiếng là những thương hiệu, sách là một món hàng. Khi một người mua một cuốn sách, không phải để... mua một ít văn, mà mua một nhãn hiệu (tất nhiên là nhiều khi mua nhầm). Điều này là hiển nhiên hay nghịch lý? Văn chương là hàng hóa, thì tốt hay xấu? Sẽ còn những tranh cãi miệt mài. Nhưng cũng có thể thấy, văn chương hôm nay đang có quá nhiều “hàng giả”. Nhiều nhà văn nổi lên như những kẻ nổi loạn, ít học, to mồm, thuần viết nháp, không biết sử dụng ngữ pháp v.v... Họ thể hiện mình như một... nhân vật, thậm chí như một diễn viên hơn là tác giả. Tréo ngoe, những nhà văn kiểu này hiện nay lôi cuốn một số lượng lớn công chúng (không phải độc giả theo nghĩa thuần túy). Vậy, những nhà văn-người-hiền sống ở đâu? Những cuốn sách “lời sau lời” đi về đâu? (Trần Nhã Thụy) Tương Lai Văn Học NXB Đà Nẵng 2006 Frédéric Badré Đoàn Cẩm Thi (giới thiệu) Đa Huyên, Nguyễn Thanh Xuân (dịch) 250 Trang File PDF-SCAN Link download https://drive.google.com/file/d/1IB5Lh_ZsUJvNFRTVaMhCcTmjrImRpEerhttps://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1