Về Kinh Bắc [Bản Chép Tay Của Tác Giả Gửi Tặng Hoàng Hưng 1982] - Hoàng Cầm, 121 Trang

Discussion in 'Địa Chí Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh' started by admin, Jun 18, 2016.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    [​IMG]
    Mãi tuổi 12 của đứa bé trai dậy thì

    Ngày 18/3 vừa qua nhà thơ Hữu Loan của Đèo cả và Màu tím hoa sim đã về cõi khác. Hôm 6/5/2010, Hoàng Cầm của Bên kia sông Đuống và Lá diêu bông cũng vĩnh biệt chúng ta. Với hơn 88 năm sống trên đời từ những ngày Pháp thuộc, kháng chiến, đến những ngày đầy gian lao, rồi được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT… Nhưng phần thưởng lớn nhất là tình cảm trong lòng người dân cả nước và khắp nơi với tiếng thơ dân tộc trữ tình, lãng mạn, đẹp long lanh và đầy nhân hậu ấy.


    Người giữ tinh tuý của tâm linh tiếng Việt

    Trong ngần ấy năm sống trên đời, thơ Hoàng Cầm đã có mặt gần suốt chu kì 60 năm, từ đầu thập niên 1940 đến hết thế kỉ 20. Riêng với hai kịch thơ Kiều Loan (viết năm 1942, được diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội 1946, xuất bản 1992) và Hận Nam Quan (1944) thì cho đến nay chưa ai vượt qua nổi Hoàng Cầm. Ngay từ thập niên 1950, những trích đoạn trong sách học không chỉ nuôi dưỡng lòng yêu tiếng Việt mà cả lòng yêu nước qua hình ảnh hào hùng bất khuất của Nguyễn Trãi chống quân Minh, đã đi vào bao thế hệ thanh thiếu niên.


    Hoàng Cầm và con gái Kiều Loan tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)


    Hoàng Cầm là người có Tây học ở thời Pháp thuộc. Ông đã từng dịch truyện cũng như thơ từ tiếng Pháp thời tiền chiến, nhất là của nhà văn kiêm nhà thơ Lamartine của Cách mạng Pháp. Tuy nhiên, cùng với Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư trong phong trào Thơ Mới, Hoàng Cầm giữ được tinh tuý của âm thanh, hình ảnh, ẩn dụ, tâm linh của tiếng Việt và hồn Việt trong thơ một cách bền bỉ và sâu thẳm hơn cả.

    Tại sao là như thế? Để trả lời câu hỏi này không phải dễ gì. Nguyễn Bính và Lưu Trọng Lư sau 1945 hoàn toàn đổi khác, cả cuộc sống và sáng tác. Hoàng Cầm trong kháng chiến cũng có thay đổi nhưng thay đổi bằng cách thể hiện tinh thần lãng mạn từ ái quốc qua cách mạng, từ 2 kịch thơ trên sang Bên kia sông Đuống (1948). Tuy nhiên, ngay trong bài Bên kia sông Đuống, những hình ảnh đẹp nhất của truyền thống văn hoá dân tộc vẫn làm nền cho sự phát tiết tình cảm. Và tình cảm ấy sau này bộc lộ trong Tiếng hát quan họ (1956), Men đá vàng (1989, viết về đồ gốm Bát Tràng), Mưa Thuận Thành (1991) và Lá diêu bông (1992), hay như Về Kinh Bắc (1995), cũng là cuộc quay về và làm sống lại từ sâu thẳm cái di sản của quê hương Bắc Ninh, cái nôi quan họ trữ tình đất Bắc.

    Để trả lời câu hỏi trên phải về Kinh Bắc, hỏi Đoàn Thị Điểm, hỏi Nguyễn Gia Thiều, nhưng nhất là hỏi những cô gái, những bà mẹ, những liền chị của hình sông thế núi, đền chùa miếu mạo, tranh khắc gỗ, tượng đá, cả bông lúa nếp cái và chén rượu hoa vàng, cả cái bánh đa Kép ở vùng này nữa...
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
    Nhưng chính Hoàng Cầm đã trao chiếc đũa để trả lời cho chúng ta. Ông nói: “Tôi thuộc dòng mẫu hệ”. Dòng mẫu hệ là cái đất nước Văn Lang thời trước khi bị ảnh hưởng từ phương Bắc, mà những hình ảnh tuyệt vời và trội bật so với các nước là những bậc nữ lưu câu quắc như Hai bà Trưng, bà Triệu với những nữ tướng nữ binh của họ. Dòng mẫu hệ là cái truyền thống tâm linh Đạo Nội trước cả tam giáo Nho, Đạo, Phật du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ và đồng hoá tất cả những thứ này trong cảm thức và sinh hoạt lễ hội của dân chúng, đặc biệt là phụ nữ.

    “Đánh động” nguồn mạch mẫu hệ

    Địa vị của người đàn bà con gái trong xã hội Việt Nam so với hoàn cảnh những xã hội cùng khu vực địa lí và văn hoá như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á và Ấn Độ được tương đối bình đẳng hơn trong cả sinh hoạt và nền tảng tâm thức cũng như pháp lí. Điều này được chứng thực trong lịch sử, trong thực tế, trong những phong tục tập quán, cũng như trong văn học dân gian và trong cả những lệ làng hay những bộ luật như Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

    Đây là một đề tài cực hệ trọng để lí giải việc gìn giữ bản sắc văn hoá của Việt Nam sau cả ngàn năm Bắc thuộc và gần một thế kỉ bảo hộ của Pháp.

    Đất Kinh Bắc là cái nôi của quan họ, của lục bát. Hoàng Cầm tự nhận: “Tôi thuộc dòng mẫu hệ/ Ngày xanh miền thuở bé/ Nét nhăn hồng hoàng hôn (...)/ Ai bảy mươi tươi giòn/ Nằm mơ đưa võng mẹ/ Ru say dòng mẫu hệ/ Vòng tay quê bế bồng” (1968), và “Tôi người làng quan họ” (1956) với “Chị em hẹn nhau ngày hội sang năm/ Sẽ hát thi ba mươi sáu giọng bổng trầm”, với “Nhớ lại chuyện xưa/ Có đôi trai gái/ Luyện giọng từ năm cùng chín tuổi”, “Nghe tiếng ca quan họ/ Bay cao đỉnh núi chạy dài nguồn sông” và “Còn chúng chị đây còn hát mãi, em ơi!”.

    Không phải chỉ bình đẳng mà người con gái còn được thương mến gọi là Chị. Đây là một “chỉ dấu” rất đặc biệt. Quan họ có tục kết bạn và gọi nhau là liền chị và liền anh. Cách xưng hô gọi anh và em một cách độc tôn và cứng nhắc của văn chương lãng mạn đầu thế kỉ 20 chỉ là một giai đoạn lịch sử rất ngắn, gần đây. Và lập tức những nhà thơ như Nguyễn Bính và Hoàng Cầm đã làm ngay đính chính và đã đánh động được nguồn mạch dân tộc trong cõi tiềm thức và vô thức. Chính vì vậy bài Lá diêu bông (1959) mà Hoàng Cầm nói rằng không phải mình sáng tác mà được mách bảo của linh cảm, của thần hứng như người nhập đồng lúc xuất hồn đã trở thành “ấn kí” của thơ Hoàng Cầm trong cả chùm thơ về hình tượng người chị của đứa bé trai vào tuổi dậy thì gồm Cây tam cúc, Qua vườn ổi, Gọi đôi, Chị em xanh và Nước sông Thương.

    Yếu tính nữ vĩnh hằng

    Lá diêu bông là trường hợp vinh quang tột đỉnh cho một nhà thơ khi hình tượng ẩn dụ không còn chỉ là thơ mà đã thành nhạc (qua Trần Tiến), thành vọng cổ (qua nhiều người), thành ngôn ngữ của dân gian. Hoàng Cầm trong bài Chị em xanh cho chúng ta một chìa khoá khác để hiểu hình tượng này: “Vẫn cầm lá Chị/ Chiều diêu bông”.

    Lá và bông nối bằng chữ “diêu”. Diêu hay dao là của cõi tiên. “Cây quỳnh cành dao” là cảnh thần tiên. Dao trì là ao của Tây vương mẫu, bà chúa của các tiên nữ. Cõi tiên là cõi mẹ (tiên và rồng; tiên Âu Cơ còn xếp trên rồng Lạc Long Quân). Lá diêu bông là hình tượng người con gái, người chị, người mẹ vừa gần gũi vừa lung linh siêu thoát. Trong trường hợp của Hoàng Cầm như chính ông kể lại là trải nghiệm năm 12 tuổi với người con gái 17 được gọi là chị như trong bài Gọi đôi: “Dưới kia sông chẳng quay đi/ Mười hai tuổi cũ biết gì chị ơi”. Tuổi cũ tức tuổi mụ, tuổi ta là cách tính truyền thống, vì cộng thêm một năm trong bụng mẹ; khác với tuổi Tây là tuổi tính từ thời Pháp với phép trừ đơn giản, kể từ ngày sinh. Chính cái “chưa biết gì” đó là cái thức tỉnh đầu đời và là cái thức tỉnh của đời sống, của tính người, tình người, khi: “Rút trộm rơm nhà đi trải ổ/ .../ Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm/ Em đừng lớn nữa Chị đừng đi” (Cây tam cúc).

    “Em đừng lớn nữa” là cái nơi tình trở thành muôn thuở. “Chị đừng đi” là hình tượng người nữ trở thành yếu tính nữ vĩnh hằng (éternel féminin), như thi hào Goethe đã dùng làm câu kết cho kinh thơ Faust viết ròng rã 60 năm.

    Tình cờ ngày Hoàng Cầm ra đi cũng chính là kỉ niệm sinh nhật của thi hào Rabindranath Tagore (6/5), và cũng như nhà thơ này, Hoàng Cầm có thể được gọi là “thi sĩ già và trẻ nhất trong làng thơ” Việt Nam vì đã chọn mãi mãi ở lại tuổi 12 của đứa bé trai dậy thì.

    Bài viết này xin được như một nén nhang kính viếng hồn thơ nhà thơ Hoàng Cầm. Viết ngày 6 và 7/5/2010 tại Sài Gòn. Nguyễn Tiến Văn (Nhà nghiên cứu)
    • Về Kinh Bắc [Bản Chép Tay Của Tác Giả Gửi Tặng Hoàng Hưng 1982]
    • Hoàng Cầm
    • 121 Trang
    Link Download
    https://drive.google.com/file/d/0B2rMWBn_jQ3IT2RERWprbGlHSFk/
     

Share This Page