Việt Hán Văn Khảo (NXB Nam Kỳ 1938) - Phan Kế Bính, 196 Trang

Discussion in 'Ngữ Văn Học' started by admin, Feb 16, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    upload_2022-9-6_9-31-36.png
    Văn-chương là một thứ khoa-học rất cao và rất khó, không những là một lối thù-ứng tiêu-khiển rất tao-nhã, mà lại biểu-lộ được tính-tình và tư-tưởng của người ta, có thể cảm-xúc được nhân-tâm, duy-trì được phong-hóa, cái công-dụng của văn-chương cũng không phải là nhỏ. Tất phải là người có tính thông-minh, có tài linh-hoạt, lại phải có công học-vấn điêu-luyện, thì mới có thể nói đến chuyện văn-chương. Nước Nam từ xưa theo học chữ nho, trong nước rất trọng nghề văn-chương, những người thông-minh tuấn-tú đều đua ganh nhau về nghề ấy, dẫu rằng khi ấy theo học chữ nho, mà chữ nho là văn-tự nước khác, rất khó hiểu khó thông, số người biết chữ rất ít, thế mà xưa kia đã bao nhiêu người nhả ngọc phun châu, bao nhiêu áng kỳ-văn kiệt-tác, làm vẻ-vang cho lịch-sử nước Nam, nước Tàu đã khen là một nước văn-hiến (có văn-hóa và nhiều người hiền). Xem thế thì biết rằng người mình vẫn ham chuộng văn-chương và lại nhiều người có tài làm văn-chương. Từ ngày khoa cử cũ đã bỏ, chữ nho đã hầu thành một thứ cổ-điển ít người học, trong nước nổi lên cái phong-trào chấn-hưng quốc-văn, người mình đương ham chuộng văn-chương quốc-ngữ. Nhưng văn-chương là một nghề rất khó, như đã nói ở trên kia, thể cách rất nhiều, không phải chỉ học lỏm làm mò mà có thể đặt mình vào trong làng văn được. Người mình đương ham thích làm văn, mà chữ nho đã bỏ, không có trường học, không có thầy dạy vẽ bảo rèn tập cái nghề làm văn (vì rằng xưa kia ta theo học chữ nho, văn-chương tiếng minh, toàn theo thể cách chữ nho cả). Những người thích văn-chương và muốn làm văn-chương, phần nhiều người đương ước ao được một quyển sách nói về nghề văn-chương để làm người dẫn đường chỉ lối cho mình trong cái nghề rất tao-nhã và rất khó khăn này.
    Quyển Việt-Hán Văn-khảo mới xuất-bản đây, thật là đúng mùa và thỏa cái lòng ước-vọng của những người có chí muốn chiếm một cái địa-vị ở trong làng văn. Người viết quyển sách này là ông cử Phan Kế-Bính, là một cự-phách ở trong làng văn, và là một nhà ngôn-luận trứ-danh ở trong làng báo, chắc rằng bà con ta phần nhiều cũng còn nhớ cả. Ông Phan Kế-Bính là một nhà nho-học tinh thâm, có tài riêng về văn-chương chí-khí lại cao-khiết, tư tưởng lại rộng xa, không ham chuộng danh lợi mà chìm nổi theo đời. Khi đỗ cử-nhân, liền đặt mình vào trong trường ngôn-luận, mười mấy năm trời, nổi tiếng ở trong báo-giới, ai cũng công nhận ông là một nhà ngôn-luận có nhiệt-thành, có học-thức lại có khoa ngôn-ngữ, có tài văn-chương. Ông tính rất ham học, có chút thì giờ nhàn rảnh, lại ra công khảo-cứu và để ý vào nghề trước-thuật, vì thế sức học càng giàu, trí-thức càng rộng, mà những sách của ông làm ra, sách soạn cũng như sách dịch, không những là làm giàu cho kho quốc-văn quí báu của ta, mà lại thật có bổ-ích cho người đọc. Ông lại dùng con mắt tinh để suy xét, ông biết rằng nghề văn-chương ở nước ta bây giờ, rất có nhiều người ham thích, mà lối học cũ đã bỏ, nghề làm văn thật không có thầy, ông mới nghiên-tinh đàn-tứ, suy xét tìm tòi, dùng biết bao nhiêu công phu, tốn biết bao nhiêu thì giờ, mới viết ra quyển Việt-Hán Văn-khảo này. Trong quyển sách này, đầu hết ông phát minh cái nguyên-lý văn-chương, cho người ta biết rằng văn là bởi tính-tình và tư-tưởng của người ta mà sinh ra, khi vui khi buồn, tiếng cười tiếng khóc, lời thở than của người chinh-phụ, câu hát nghêu ngao của đứa mục-đồng đều là cái gốc văn-chương cả. Thử nói đến cái thể-cách văn-chương, và phép làm văn-chương, ông dẫn dụ rất là kỹ lưỡng rõ ràng, người có chí muốn làm văn-chương, nếu dùng công đọc đi đọc lại cho thật kỹ càng mà tự mình hiểu được, thì cái bí quyết văn-chương mười phần cũng đã hiểu được tám chín, dẫu thầy giỏi bạn hiền ngồi bên cạnh, sự lợi ích cũng chẳng qua như thế mà thôi. Ông lại nói đến cái lý-thú của văn-chương và cái kết quả của văn-chương, khiến cho người ta đều biết rằng văn-chương thật là quốc-hoa quốc-túy, thật có bổ ích cho loài người, chớ không phải là vô dụng phù hư, như là người đời xưa đã bàn nói. Sau hết ông lại nói đến văn-chương đời thượng-cổ, văn-chương đời trung-cổ và văn-chương cận thời, thay đổi thế nào khác nhau thế nào, đều là việc rất cần thiết mà người trong làng văn nên biết. Nói tóm lại, quyển Việt-Hán Văn-khảo này thật là người hướng-đạo và xe chỉ-nam của những người muốn nhập tịch làng văn, và nghề văn-chương của nước nhà, cũng ngày càng tiến-bộ. Quyển sách này không những là có công với người làm văn, mà lại có công với nền quốc-văn. Từ nay dở đi, áng quốc-văn nước Nam ngày càng rực rỡ tốt tươi, đủ là văn-chương hoa quốc, thỏa cái lòng ước-vọng của tác-giả khi cầm bút viết quyển sách này, và bõ cái công phu của tác-giả đã mất bao nhiêu ngày giờ để tìm kiếm thu góp những tài-liệu để viết quyển sách này, ký-giả khi viết bài này, cũng chứa chan những sự ước mong như thế.

    • Việt Hán Văn Khảo
    • NXB Nam Kỳ 1938
    • Phan Kế Bính
    • 196 Trang
    • File PDF-SCAN
    Link Download
    https://drive.google.com/file/d/1Hh-cn-nKvVwoj0lefevs__WJ5rsn6MXS
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
     

    Zalo/Viber: 0944625325 | buihuuhanh@gmail.com

    Last edited: Sep 6, 2022

Share This Page