Ý Đồ Xâm Chiếm Nước Việt Nam Của Đế Quốc Pháp (NXB Vĩnh Long 1964) - Lê Văn Chát, 17 Trang

Discussion in 'Địa Chí Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh' started by admin, May 16, 2016.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    [​IMG]
    Bước vào thế kỷ thứ XIX, với sự phát triển mạnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã đem đến những thay đổi to lớn cho các nước Phương Tây, mà trước tiên là trên lĩnh vực kinh tế. Cuộc cách mạng này đã nhanh chóng cổ vũ và khuyến khích cho sự tăng tốc của những nền kinh tế tư bản. Và cũng từ đây, làn sóng xâm lược đến các nước Phương Đông vốn đã trỗi dậy từ cuối thế kỷ thứ XV càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhu cầu tìm nguồn nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ của các nước tư bản phương Tây là nguyên nhân khiến cho hàng loạt các nước ở vùng Đông và Nam châu Á đều bị các nước tư bản Phương Tây xâm lược. Ở Trung Quốc, chiến tranh Nha phiến (1839-1842) với nước Anh đã mở màn cho hàng hoạt các nước đế quốc khác như Pháp, Hà Lan… theo chân vào xâm lược Trung Quốc.
    Trên thực tế, ở những thập niên đầu thế kỷ XIX, ý đồ can thiệp, xâm lược của các nước tư bản thực dân phương Tây đã trở thành nguy cơ chung của hàng loạt nước phương Đông và các nước khu vực Đông Nam Á nói riêng.
    Bấy giờ thực dân Anh đã chú ý sử dụng Xiêm vào kế hoạch xâm lược. Năm 1822, Anh ký hiệp ước thông thương với Xiêm. Hai năm sau (1824), Anh tấn công Miến Điện và xúi giục vua Xiêm đánh vào biên giới Miến - Xiêm, tạo thuận lợi cho Anh tấn công Miến Điện. Năm 1827, Anh lại ký một hiệp ước buộc Xiêm phải cho người Anh đến buôn bán tự do ở một số bang. Ngót 80 năm sau, Anh chiếm luôn những bang này của Xiêm và sáp nhập vào Mã Lai.
    Đối với Mã Lai, từ đầu thế kỷ XIX, Công ty Đông-Ấn của Anh đã chiếm dần những cứ điểm quan trọng trên bán đảo này nhằm giành ưu thế thương mại và quân sự ở Viễn Đông. Năm 1819, công ty này giành được ưu thế chiếm đóng Singapore có vị trí chiến lược trọng yếu trên đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Năm 1824, Anh mua toàn bộ Singapore với giá 6 vạn đồng Tây Ban Nha và liên tiếp vừa mua vừa chiếm nhiều vùng khác (Pénang, Kuala-Lumpur…). Đồng thời, Anh thương lượng với Hà Lan đổi nhượng Malacca, một trung tâm kinh tế chính trị quan trọng của Mã Lai. Năm 1826, thực dân Anh gộp Singapore, Pénang, Wellesley thành một khối, gọi là “Đất thực dân eo biển”, dưới quyền quản trị của Công ty Đông-Ấn, đặt thủ phủ tại Kuala-Lumpur.
    Cho đến đầu thế kỷ XIX Miến Điện là một nước quân chủ mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng từ cuối thế kỷ XVIII, sau khi nắm được Ấn Độ, Công ty Đông-Ấn của Anh bành trướng sang vùng Bengale tiếp giáp Miến Điện. Đặt xong một số thương điếm ở gần thủ đô Rangoun (Miến Điện), năm 1792 thực dân Anh yêu cầu triều đình Miến Điện chấp nhận Công ty Đông-Ấn hưởng đặc quyền buôn bán và đặt cơ quan thường trú. Bị vua Miến Điện khước từ, thực dân Anh quyết định thực hiện yêu sách trên bằng vũ lực vào đầu thế kỷ XIX.
    Hai nước láng giềng sát cạnh Việt Nam là Campuchia và Lào cũng chịu chung thử thách như các nước khác trong khu vực. Bước sang thế kỷ XIX, kẻ thù đáng gờm nhất của Campuchia là triều đình Xiêm. Thực hiện ý đồ bành trướng và nô dịch Miên, vua Xiêm gây ra nhiều cuộc đảo chính ở Campuchia, đem quân sang chiếm đóng Ou-Dong, Phnom-Pênh và cử quan chức sang kiểm soát nội trị, ngoại giao, tiếp tục khống chế Campuchia cho đến khi thực dân Pháp bắt đầu kế hoạch xâm lược nước này vào giữa thế kỷ XIX đồng thời với việc lần lượt đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ của Việt Nam.
    Trong vài thập niên đầu thế XIX, Lào cũng đang bị áp lực nặng nề của triều đình Xiêm. Quân Xiêm đóng ở Hạ Lào (Champassak) và cũng áp dụng những chính sách như đối với Miên. Ở Trung Lào, quân Xiêm tàn phá và sáp nhập phần lớn đất đai của vương quốc Vientiane, chiếm đóng phần còn lại, đồng thời uy hiếp Luang-Prabang ở Thượng Lào. Toàn bộ nước Lào coi như chịu sự khống chế của Xiêm trước khi bị cắt phần đất phía đông cho thực dân Pháp.
    Nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX vừa phải đáp ứng những yêu cầu hồi sinh đất nước vừa phải đối phó với những bất trắc có thể xuất phát từ những nước láng giềng, nhưng nguy hiểm hơn vẫn là ý đồ can thiệp, xâm lược của các nước tư bản thực dân phương Tây, chủ yếu là thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh như vậy, Việt Nam, một đất nước giàu tài nguyên cũng sớm được các nước tư bản phương Tây chú ý đến.
    Ngay từ năm 1645, sau 21 năm làm công việc truyền giáo ở Việt Nam, khi về Pháp Alexan de Rhodes đã đưa ra lời nhận xét cío ý cổ vũ cho một cuộc xâm chiếm thuộc địa: “Đây là một vị trí cần phải chiếm lấy; chiếm được vị trí này thì thương nhân châu Âu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên dồi dào”…
    Để thăm dò tình hình, từng bước chuẩn bị cho việc xâm chiếm nước ta, Pháp dựa vào 2 lực lượng cơ bản: hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ thừa sai và những hoạt động buôn bán của các phái đoàn trong Công ty Đông Ấn ở Việt Nam. Đặc biệt là từ sau năm 1664, khi Hội truyền giáo nước ngoài Paris thành lập, các giáo sĩ thừa sai càng có thêm cơ sở và điều kiện để gia tăng hoạt động truyền giáo tại Việt Nam và cung cấp thêm cho nước Pháp nhiều thông tin hơn.
    Napoléon Ponaparte đã đặt nhiều tin tưởng vào vai trò của các giáo sĩ và cho rằng: “Hội truyền giáo nước ngoài sẽ rất có ích cho tôi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Tôi sẽ cử các giáo sĩ đi điều tra tình hình ở các xứ. Tấm áo choàng sẽ che chở cho họ và sẽ dùng để che giấu những mưu đồ chính trị và thương nghiệp”
    Ngay từ buổi đầu nhòm ngó Việt Nam, các giáo sĩ và thương nhân Pháp đã hợp tác chặt chẽ với nhau. Giáo sĩ mở đường đi trước, thương nhân theo sau, rồi cùng nhau đẩy mạnh hoạt động.
    Kế hoạch xâm lược nước ta còn được thúc đẩy hơn nữa bởi cuộc chiến tranh giành thuộc địa nổ ra giữa Anh và Pháp (1756 - 1763) đã đem lại những thất bại nặng nề cho tư bản Pháp - hầu hết những thuộc địa của người Pháp ở châu Á và châu Mỹ đã phải nhường lại cho thực dân Anh.
    Trong một bản báo cáo gửi về Pháp, giáo sĩ Huc báo cáo: “Dường như chỉ còn sót lại Nam Kỳ là xứ mà người Anh chưa để ý đến. Nhưng có thể nào tin rằng họ sẽ không gấp rút dòm ngó đến chăng? Nếu họ quyết định điều đó trước chúng ta thì chúng ta sẽ vĩnh viễn bị loại khỏi vùng này, chúng ta sẽ mất một căn cứ quan trọng ở vùng châu Á…”. Trước nguy cơ mất hết thuộc địa tại châu Á này, thực dân Pháp gấp rút tìm mọi cơ hội để sớm can thiệp vào Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, cuộc chiến tranh giành quyền lực của Nguyễn Ánh với Tây Sơn đã tạo cho thực dân Pháp một dịp tốt để thực hiện âm mưu nói trên.
    Sau khi 5 vạn quân Xiêm can thiệp đã bị quân Tây Sơn đánh tan trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút thì Nguyễn Ánh lại quay sang cầu viện thực dân Phương Tây. Trước cơ hội hiếm hoi này, tất cả thực dân Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đều phái nhân viên đến bắt liên lạc với Nguyễn Ánh. Đã có lúc Nguyễn Ánh định sang Indonesia cầu viện Hà Lan, hoặc sang Goa cầu viện Bồ Đào Nha. Nhưng cuối cùng xu hướng cầu viện tư bản Pháp của Nguyễn Ánh ngày càng rõ rệt. Điều này cũng xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa, đó là từ lâu các giáo sỹ Pháp đã hoạt động nhiều trên đất nước ta và họ đã có những ảnh hưởng nhất định trong các tầng lớp xã hội. Hơn thế nữa, Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau De Béhaine) đã chủ động đến với Nguyễn Ánh đúng lúc, và ngay lập tức ông ta được Nguyễn Ánh tin tưởng, giao cho ấn và hoàng tử Cảnh (làm con tin) để Bá Đa Lộc đưa sang Pháp cầu viện vua Louis XVI vào năm 1784.
    Trong việc giao kết này cả hai bên đều muốn dựa vào nhau để có lợi. Bá Đa Lộc thì muốn giúp đỡ để Nguyễn Ánh thành công, sau đó sẽ trở thành người có vai trò quan trọng, dùng nó để phục vụ cho công việc mở rộng truyền đạo và có thể phục vụ tốt cho quyền lợi của “nước mẹ” Pháp ở vùng Viễn Đông. Còn Nguyễn Ánh vì thế lực yếu muốn thông qua Bá Đa Lộc với hy vọng nhận được nguồn vật lực và vũ khí từ sự giúp đỡ của nước Pháp để đánh bại Tây Sơn.
    Ngày 28/11/1787, tại cung điện Versailles (Pháp) một hiệp ước gọi là “Hiệp ước Liên minh tấn công và phòng thủ” được ký kết giữa đại diện của Nguyễn Ánh là Bá Đa Lộc và đại diện của vua Pháp Louis XVI là bá tước De Mont Morin.
    Nội dung chính của hiệp ước Versailles là Pháp cam đoan sẽ gửi quân đội và vũ khí sang trợ giúp Nguyễn Ánh; đổi lại Pháp được quyền sở hữu hoàn toàn cảng Hội An và đảo Côn Lôn cùng với việc mở cửa buôn bán dành riêng cho Pháp.
    Hiệp ước Versailles là một cơ sở pháp lý mà sau này Pháp có thể dựa vào đó tạo cơ hội đánh Việt Nam.
    Được sự vận động tích cực của giám mục Bá Đa Lộc, từ mùa thu năm 1788, một số người Pháp và người Âu lần lượt đến Gia Định giúp Nguyễn Ánh huấn luyện binh lính, chỉ huy đội thủy quân… Thông quan Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh còn được mua về hàng vạn khẩu súng tay và hàng ngàn cỗ đại bác. Cùng với vũ khí và những người Pháp và người Âu đến giúp, quân Nguyễn Ánh được huấn luyện bài bản, sử dụng vũ khí hiện đại, có thêm nhiều tài chiến… nên quân đội Nguyễn Ánh trở nên mạnh hơn trước rất nhiều.
    Nhưng Cách mạng tư sản Pháp bùng nổ (1789), chính quyền phong kiến ký hiệp ước với Nguyễn Ánh bị lật đổ. Tiếp đó là chiến tranh kéo dài hơn 20 năm trên lục địa châu Âu (1792 - 1815) đã cản trở việc thi hành hiệp ước Versailles. Kế hoạch can thiệp sâu hơn vào Việt Nam của thực dân Pháp do vậy bị chậm lại một thời gian.
    Năm 1891, một người Pháp nhắc lại tình hình này và cho rằng: “Giá như bấy giờ chính phủ Pháp sẵn sàng giúp Bá Đa Lộc thì có lẽ ông ta đã thiết lập xong cho nước Pháp nền bảo hộ An Nam ngay từ cuối thế kỷ XVIII”.
    Nhưng cũng trong thời gian này, vua Quang Trung đột ngột qua đời (tháng 9-1792), triều Tây Sơn nhanh chóng rơi vào suy yếu do lục đục và tranh chấp nội bộ. Nguyễn Ánh nhân cơ hội đó đã giành được chính quyền từ Tây Sơn, năm 1802 lên ngôi hoàng đế (niên hiệu Gia Long).
    Sau khi lên cầm quyền, Gia Long đã “trả ơn” cho những người Pháp có công giúp mình trong cuộc chiến vừa qua bằng cách giữ lại một số người làm quan trong triều (Jean Baptiste Chaigneau, Philippe Vannier, de Forsans…) và đãi ngộ rất hậu (được miễn việc quỳ lạy khi vào chầu). Ở giai đoạn đầu thời Gia Long, những hoạt động của người Pháp ở Việt Nam không bị ngăn cấm, thậm chí được tạo điều kiện hoạt động dễ dàng cả về thương mại và truyền giáo.
    Năm 1812, giáo sĩ Labartette nhận xét: “… chúng tôi toàn quyền tự do truyền đạo, không ai dám ngăn cản và tự do đi lại khắp nơi. Chừng nào nhà vua [Gia Long] còn trị vì, chúng tôi vẫn có cơ sở để hy vọng được tự do hành đạo”.
    Nhưng do được hoàng đế Việt Nam quá ưu ái, các giáo sĩ và quan lại người Pháp hoạt động ngày càng mang tính chất thái quá, thể hiện ý đồ can thiệp vào chính trị và đe dọa đến vương quyền nhà Nguyễn nên họ bị ngăn cản dẫn đến quan hệ giữa họ và triều đình nhà Nguyễn ngày càng mâu thuẫn và xung đột.
    Tiêu biểu nhất là khi một số giáo sĩ ngấm ngầm hoặc chính thức phản đối về việc Gia Long chọn Minh Mạng nối ngôi mà không chọn con của hoàng tử Cảnh.
    Sau khi cuộc chiến ở châu Âu kết thúc, chính quyền phong kiến Pháp lại cho xúc tiến ý đồ dở dang trước kia. Lợi dụng hiệp ước Versailles làm cơ sở pháp lý, từ Napoléon Bonaparte đến Louis XVIII, Pháp liên tục thúc ép các vua Gia Long và Minh Mạng thi hành những điều khoản trong hiệp ước Versailles, nhằm nhanh chóng giành vị trí ưu thế ở Việt Nam.
    Từ thực tế đó, Gia Long càng nhận thấy rõ hơn dã tâm sâu xa của người Pháp nên bắt đầu thể hiện thái độ ly khai. Thậm chí, Gia Long còn căn dặn với Minh Mạng “đừng để người Pháp bước vào triều đình của con”.
    Điều này có thể thấy qua việc từ năm 1817, nhiều chiếc tàu Pháp cập các bến cảng của Việt Nam (mang theo cả lái buôn và võ quan) đến xin được yết kiến vua Gia Long nhằm xin “nối lại mối quan hệ bị gián đoạn từ thời cách mạng tư sản Pháp” nhưng đều không được vua nhà Nguyễn tiếp đón.
    Trước những hoạt động bằng con đường ngoại giao không đem lại những kết quả như ý muốn, Pháp quyết tâm dùng những biện pháp mạnh hơn. Năm 1840 - 1841, nhiều chiến hạm của Pháp kéo sang đóng tại vùng biển Trung Hoa, uy hiếp cả hai triều đình nhà Thanh và nhà Nguyễn.
    Năm 1843, thủ tướng Guizot nói rõ: “Chúng ta cần có hai bảo đảm ở Viễn Đông: một căn cứ hải quân thường trực trong vùng biển Trung Hoa và một thuộc địa vững chắc nằm kề Trung Hoa(…) Nước Pháp không thể nào vắng mặt trong một khu vực rộng lớn như vậy của thế giới, trong lúc các nước châu Âu khác đều đã có căn cứ ở đó”.
    Từ năm 1843 trở đi, hải thuyền của Pháp đến Việt Nam ngày một nhiều hơn. Trong các năm 1843 - 1847, chiến hạm Pháp ba lần vào thị uy ở cửa biển Đà Nẵng. Cách mạng Pháp năm 1848 nổ ra lại một lần nữa làm chậm trễ kế hoạch, nhưng với cuộc cách mạng chính trị này, cách mạng công nghệ ở Pháp tiến triển nhanh chóng, càng thôi thúc giới tư bản xúc tiến việc mở rộng thị trường và xâm chiếm thuộc địa.
    • Ý Đồ Xâm Chiếm Nước Việt Nam Của Đế Quốc Pháp
    • NXB Vĩnh Long 1964
    • Lê Văn Chát
    • 17 Trang
    • File PDF_SCAN
    Link Download
    http://thuvientravinh.org.vn/_Layouts/15/Vebrary/tailieuso/reader.aspx?i=4222
    http://sachviet.edu.vn/threads/dvd-ebook-sach-xua-tong-hop-sach-cu-xuat-ban-tu-1975-ve-truoc.19011/
    https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1
     

    Zalo/Viber: 0944625325 | buihuuhanh@gmail.com

Share This Page