Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ra trong một gia đình mấy đời khoa bảng (ông, cha, chú, bác, anh, em... ) đều học giỏi, đỗ đạt cao và làm quan to trong triều vua Lê - chúa Trịnh. Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là ông già lười ở Hải Thượng có lẽ do 2 chữ đầu tiên của tên tỉnh (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng) ghép lại (?) nhưng cũng lại có thể do chữ Bầu Thượng là quê mẹ và là nơi Hải Thượng ở lâu nhất (từ năm 26 tuổi cho đến khi mất). Mặc dầu lấy biệt hiệu Lãn Ông, nhưng thực tế chúng ta sẽ thấy “lười” ở đây là lười với công danh, phú quí, nhưng lại rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh, cứu người. Lúc nhỏ Lê Hữu Trác theo cha lưu học ở đất Kinh kỳ Thăng Long. Ngày còn đi học, Lê Hữu Trác đã nổi tiếng là học trò hay chữ và đã thi đậu vào Tam trường. Năm 19 tuổi, cha mất nên ông phải thôi học về nhà chịu tang, ít lâu sau ông lại xung vào quân ngũ và theo nghiệp kiếm cung. Nhưng rồi nhận thấy đây là công việc không hợp với ý mình nên chỉ vài năm sau, nghe tin người anh cả mất, Lê Hữu Trác xin ra khỏi quân ngũ, lấy cớ về thay anh nuôi mẹ già 70 tuổi và mấy cháu mồ côi ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Về Hương Sơn không lâu thì Lê Hữu Trác bị ốm nặng trong vòng 2-3 năm liền, chữa trị khắp nơi không khỏi. Chính trận ốm này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời của Lê Hữu Trác và nghề thuốc Việt Nam. Số là sau nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không kết quả, Lê Hữu Trác nhờ cáng đến nhà một thầy thuốc ở miền Rú Thành, thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tên là Trần Độc. Ông Độc thi đỗ cử nhân rồi ở nhà làm thuốc rất được nhân dân trong vùng tín nhiệm. Qua hơn một năm ở nhà thầy thuốc, Lê Hữu Trác đã khỏi bệnh. Cũng phải nói thêm rằng trong thời gian chữa bệnh tại đây, những lúc rỗi rãi Lê Hữu Trác thường hay mượn bộ sách thuốc Phùng thi cẩm nang của Trung Quốc để đọc, phần lớn ông đều hiểu thấu. Thầy thuốc Trần Độc rất lấy làm lạ và đã có ý muốn truyền đạt nghề mình lại cho ông. Lúc ông vào tuổi 30, tướng của Chúa Trịnh lại cho người tới vời ông trở lại quân ngũ, Lê Hữu Trác cố ý xin từ và sau đó ông mới quyết chí học nghề thuốc. Lê Hữu Trác viết: “... Cái chí bon chen trong trường danh lợi mình đã vứt bỏ đi lâu rồi, nên xin cố từ, lấy cớ còn mẹ già không thể đi xa được.” Sau đó ông trở lại Hương Sơn làm một ngôi nhà nhỏ ở ven rừng, quyết chí theo học nghề thuốc. Ông tìm đọc các sách, đêm ngày miệt mài, tiếc từng giây, từng phút. Và cũng từ đấy Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông. Đại Danh Y Lãn Ông Và Cơ Sở Tư Tưởng Của Nghề Làm Thuốc, Chữa Bệnh NXB Y Học 2011 Trần Văn Thụy 132 Trang File PDF-SCAN Link download https://drive.google.com/file/d/1vEtlk4Alxjut9GqHRKNG4bMQP2cyjKw8https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1