Trong số các vị đạo sư tâm linh xưa nay thì ta có thể xem Krishnamurti là con người quyết liệt nhất khi nói về điều được mệnh danh là chân lý, là sự thật. Nghe tiếng ông là một người minh triết và giác ngộ, nhiều người tìm đến để xin nghe giảng thuyết về chân lý, nhưng không ít người bị thất vọng. Lý do giản đơn là, Krishnamurti không bao giờ chịu nhượng bộ, không bao giờ giảng những lời đạo lý chung chung, không bao giờ cho những an ủi khích lệ thông thường, kể cả đối với người bệnh đang nằm chờ chết hay với cha mẹ đang đau khổ mất con. Vì đối với ông, một nửa mẩu bánh mì còn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Và sự thật thì lại “không có con đường nào dẫn đến”. Những người đến nghe ông giảng thường được ông giải thích một cách rạch ròi rằng, tất cả những tầm cầu tưởng chừng như rất đạo đức của họ chẳng qua đều là biến hiện của một tâm thức thèm khát thành tích, mong chờ ân sủng, tìm kiếm sự an toàn và tiện nghi nội tâm. Tất cả những thứ đó đều là biểu hiện của một cái “tôi” ranh mãnh đang chờ chực trong tâm, muốn được thăng hoa, muốn được giác ngộ. Những tâm thức như thế không bao giờ tìm thấy được điều gì cả, hoạt động của chúng chỉ sinh thêm rối loạn cho mình và cho người. Krishnamurti phân tích cho thấy những tầm cầu đó đều xuất phát từ cái đã biết, từ truyền thống, từ tri thức, từ quá khứ. Chúng chỉ dẫn đến một dạng hình khác của một khuôn khổ có sẵn, chúng không thể tiếp cận với một cái tinh khôi mà ngôn từ không thể mô tả. Vì những lẽ đó người ta không thể dùng bất cứ cái gì đã biết để tiếp cận chân lý; ngược lại con người phải tự giải phóng ra khỏi mọi sự ràng buộc của tâm, nhất là khỏi tri thức, kinh nghiệm và lòng ham thích mong đợi. Do đó Krishnamurti cho rằng chỉ một sự tự do tâm linh tuyệt đối mới có cơ may để tâm đến với một tình trạng mà ông gọi là “không thể đo lường”. Ông cho rằng ta phải thoát khỏi mọi thẩm quyền – thẩm quyền chính trị, xã hội cũng như tôn giáo – thoát mọi qui định, mọi truyền thống. Và cuối cùng con người phải thoát cả gánh nặng của kinh nghiệm, của tri thức, của quá khứ. Cái “tôi” là một sản phẩm của quá khứ, khi vắng bóng nó thì sẽ có một tình trạng “thiêng liêng” phi thời gian xuất hiện. Khi ta nằm yên trong tình trạng “đang là”, không thấy phải trở thành một cái gì khác, khi đó thời gian sẽ ngưng bặt. Thời gian chỉ có đối với những ai muốn trở thành. Khi con người an trú trong tình trạng hiện thực của chính mình, không tìm cách kiểm soát hay điều khiển tâm, khi chỉ có tâm vận hành mà không có người làm chủ tâm, khi đó sẽ xuất hiện một thứ năng lượng to lớn, khi đó “trí thông minh”, “lòng yêu thương” sẽ hoạt động một cách hồn nhiên. Đó là điều mà ngôn từ hay gọi là “giác ngộ” nhưng phần lớn con người không bao giờ thật sự biết đến. Giáo pháp của Krishnamurti không hề dễ hiểu, dễ tiếp thu, chủ trương của ông làm nhiều kẻ tầm đạo bất mãn. Chỉ nội sự phê phán của ông về thẩm quyền tôn giáo đã đụng chạm đến quyền lợi của những bậc thầy non tay. Do đó quan niệm của ông bị rất nhiều người chống đối. Thế nhưng, nếu đọc kỹ với một tâm hồn thực sự dò tìm, ta sẽ thấy Krishnamurti phải là một con người hiếm hoi nhất trong cõi nhân sinh. Đó là người khi đã nói thì chỉ nói chân lý toàn vẹn, xuất phát từ một lòng từ bi vô hạn. Đọc tác phẩm này ta thấy trí huệ phi thường của ông thỉnh thoảng loé lên khi nghe ông mô tả về thiên nhiên và con người. Còn lòng từ bi của ông thì quá rõ vì ông chỉ tha thiết mong một điều, đó là con người phải được giải phóng ra khỏi mọi dạng của nô lệ, nhất là ách nô lệ tâm linh, nô lệ truyền thống, nô lệ vào qui định xã hội và quá khứ đã chết. Vì lẽ đó, Krishnamurti được mệnh danh là “thầy của các vị thầy”. Thiết tưởng không còn danh hiệu nào chính xác hơn đáng được dùng cho ông. Đối Diện Cuộc Đời NXB Khoa Học Xã Hội 2005 Tác giả: Krishnamurti Dịch: Nguyễn Tường Bách 456 Trang File PDF Link Download http://thuvienso.thuvienbrvt.com.vn/doc/ebook-doi-dien-cuoc-doi-krishnamurti-342399.htmlhttps://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1