NĂM 1979, viết xong cuốn “Kinh Dịch, một tổng hợp Trung triết thời Tiên Tần”, tôi tính chấm dứt công việc biên khảo để viết hồi ký, rồi nghỉ ngơi: đã gần thất tuần rồi. Năm 1981, bộ Hồi ký viết xong, tôi sắp đặt lại các tủ sách ở Sài Gòn và Long Xuyên, không ngờ có tới non năm chục cuốn về lịch sử, văn minh Trung Hoa. Tôi lấy ra đọc lại hết, mượn thêm được của bạn 6 -7 cuốn nữa; và cũng như trên ba chục năm trước khi tìm hiểu văn học Trung Quốc, tôi vừa đọc vừa ghi chép, và rốt cuộc viết thành bộ sử này, ngoài dự định của tôi. Trung Hoa ngày nay lớn gần bằng cả châu Âu, dân số trên một tỉ (1 phần 5 dân số thế giới), có truyền thống trọng sử, từ thế kỷ thứ VIII trước Tây Lịch (đời Tuyên Vương nhà Chu) đã có tín sử, và từ đó đời nào cũng có những sử quan chép sử kỹ lưỡng, có công tâm, cho nên tài liệu về sử của họ nhiều vô cùng, rất có giá trị. Bốn năm chục cuốn tôi được đọc, chỉ như một bụi cây trong một khu rừng rộng, có thấm gì đâu, cho nên tôi phải hạn chế sự tìm hiểu của tôi. Tôi cho lịch sử Trung Hoa là lịch sử của một nền văn minh vô cùng độc đặc (infiniment originale: Guillermaz), tuy ra đời sau vài nền văn minh khác: Ai Cập, Lưỡng Hà... nhưng tồn tại lâu nhất. Khoảng 3.000 năm trước, nó xuất hiện từ miền trung du sông Hoàng Hà. Trong khi các bộ lạc chung quanh đều bán khai thì nhà Ân (cuối nhà Thương) và nhà Chu đã giỏi về nông tang, đồ đồng, có một tổ chức xã hội chặt chẽ, một tôn giáo có tính cách xã hội (thờ Thượng đế, thần xã tắc, cha mẹ...), rất ít mê tín, một vũ trụ quan duy vật (thuyết âm dương) và một lối chữ tượng hình, hội ý mà một số nhà ngôn ngữ học hiện nay khen là có thể dùng làm lối chữ quốc tế được; mà sự thực trong non 3.000 năm, nó đã đóng vai trò ngôn ngữ quốc tế trong “thế giới” của Trung Hoa gồm cả chục dân tộc ở Đông Á. Sử Trung Quốc Tập 1 NXB Văn Hóa 1997 Nguyễn Hiến Lê 309 Trang File PDF-SCAN Link Download https://drive.google.com/file/d/1AxMKGfBZTuu2uxSwVbaDVJW6YbrmgrP3https://drive.google.com/drive/folders/1yLBzZ1rSQoNjmWeJTZ3WGQHg04L1